Chung tay bảo vệ đê điều Thủ đô

30/07/2020 3:02 PM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống đê điều của Thành phố Hà Nội đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 224/580 xã, phường, thị trấn ven đê, trong đó có 11 đơn vị hành chính cấp xã nằm hoàn toàn ngoài bãi sông với hơn 140 nghìn hộ dân.

Cần sớm chấm dứt tình trạng vi phạm an toàn đê điều để bảo vệ các công trình xung yếu của thủ đô - Ảnh: An Khuê

Yêu cầu quản lý cần nâng cao

Với hệ thống sông ngòi nhiều và công trình đê điều lớn, khu vực bãi sông (phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê trở ra bờ sông) trên địa bàn thành phố Hà Nội rất lớn (khoảng 35.653ha) và đa dạng, xen lẫn trong các khu vực dân cư.

Hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra nhanh chóng, dân số đô thị phát triển mạnh; các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn, làm thay đổi diện mạo đô thị và các vùng nông thôn.

Sự phát triển đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý đô thị nói chung và công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng nói riêng ở khu vực bãi sông, ven đê của các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Với số lượng km đê các loại trên địa bàn Thành phố lớn, cùng với tốc độ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội sôi động tại các vùng ven sông, ven đê, nhu cầu về vật liệu xây dựng, đất đai rất lớn. Trong khi đó, việc tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều theo quy định của Luật Đê điều chưa được thực hiện, đã dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nhiều năm gần đây không có lũ lớn, đã dẫn đến tư tưởng chủ quan, một số cấp chính quyền xã, huyện coi việc xử lý giải tỏa vi phạm chỉ là hình thức, không dứt điểm làm cho vi phạm lại tái diễn sau xử lý.

Mặt khác, công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương còn lỏng lẻo, công tác ngăn chặn và xử lý, giải tỏa vi phạm chưa được chính quyền địa phương cơ sở thực sự quan tâm do còn có tư duy nhiệm kỳ, bầu cử, quan hệ kinh tế, quan hệ họ hàng, làng xã dẫn đến tỷ lệ vi phạm được xử lý thấp, vi phạm tồn đọng nhiều.

Đặc biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận: tình trạng tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, khai tác cát không phép, trái phép; tình trạng xây dựng công trình kiên cố trong phạm vi bảo vệ đê điều; tình trạng đổ thải, san lấp lạch sông, lấn chiếm lòng sông, bãi sông với quy mô lớn; tình trạng xây dựng công trình trái phép ở lòng sông, bãi sông… diễn biến phức tạp.

Dọc các tuyến sông thuộc địa bàn Thành phố có tổng số 186 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động; trong đó: 37/186 bãi có giấy phép; 149/186 bãi không có giấy phép; 97/186 bãi có hoạt động của xe quá tải ra vào bãi, đi trên đê. Tổng diện tích sử dụng đất của các bãi là 173,09ha (có giấy phép 65,348ha; không giấy phép 107,739ha); diện tích chất tải, xây dựng công trình là 22,846ha, có 110/186 bãi nằm trong quy hoạch của Thành phố.

Tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên một số tuyến đê, đặc biệt là tại các địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông diễn biến phức tạp; làm nhiều đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng chống lũ cũng như ảnh hưởng đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đê.

Cần sớm chấm dứt các vi phạm

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông hiện nay vẫn diễn ra tại một số khu vực, đặc biệt là địa bàn giáp ranh với các tỉnh: Huyện Ba Vì (giáp huyện Thanh Thủy, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); huyện Phúc Thọ (giáp huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Phú Xuyên (giáp huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), gây ảnh hưởng nhiều đến an toàn công trình đê điều.

Hoạt động khai thác cát trái phép từ lòng sông được bơm lên tàu tự hành hoặc tàu sang mạn, khu vực khai thác cát thường là ở giữa dòng sông. Việc khai thác cát trái phép, không theo quy hoạch là nguyên nhân chính gây hạ thấp lòng sông, đáy sông, làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hạ thấp mực nước mùa kiệt, gây ảnh hưởng xấu đến khả năng lấy nước của các công trình thuỷ lợi ven sông.

Từ những vấn nạn trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành“Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Quy chế) kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày số 14/3/2014 và bổ sung tại Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 07/11/2016.

Quy chế này đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội; khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị trong việc xử lý vi phạm.

Cùng với đó thực hiện nghiêm quy chế sẽ giúp xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm trên địa bàn thành phố Hà Nội; xử lý trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc xử lý vi phạm, còn để vi phạm tồn đọng nhiều

Với tính chất, hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, đồng thời cũng vi phạm về nhiều lĩnh vực khác như: Đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên môi trường, khoáng sản, công thương, giao thông...;

Cùng với đó là biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là buộc khôi phục tình trạng ban đầu, cũng là yêu cầu quan trọng nhất để đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ. Do đó bắt buộc phải tổ chức tháo dỡ tự nguyện hoặc cưỡng chế thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, vì vậy, nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời, để vi phạm phát triển sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân, của xã hội.

Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội sau 5 năm thực hiện Quy chế đã bộc lộ một số bất cập cần chỉnh sửa, bổ sung để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm, cụ thể: Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân có thẩm quyền trong công tác phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Nội dung công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan tham gia mối liên hệ phối hợp phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm không chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm; việc phối hợp, hỗ trợ hoạt động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phải được bàn bạc, thống nhất giải quyết trên cơ sở thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được pháp luật quy định và yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan liên quan.

An Khuê

Top