Chung tay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

20/05/2020 11:37 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp đã được áp dụng giảm 10% giá điện đối với hóa đơn tiền điện của tháng 4 tương ứng với kỳ hóa đơn của tháng 5. Đa số người dân cho biết, mặc dù số tiền giảm không nhiều nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn, đặc biệt là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, từ đầu tháng 5 đến nay, công tác triển khai gói hỗ trợ giảm giá điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực triển khai. Đây là một trong số các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân (ngoài gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho đối tượng yếu thế) - một gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và hiệu quả nhất, có thể cân đong đo đếm được.

Với các mức hỗ trợ miễn, giảm từ 10% đến 100% cho các nhóm khách hàng khác nhau, chính sách miễn giảm tiền điện đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân..., đặc biệt là nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch tại các bệnh viện tuyến đầu.

Tại Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh là bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, theo chính sách miễn giảm tiền điện thì bệnh viện này sẽ được miễn giảm 100% tiền điện trong ba tháng (từ tháng 5 đến 7/2020). Với số tiền điện trung bình mỗi tháng hơn 550 triệu đồng thì tổng số tiền điện bệnh viện này được miễn giảm trong ba tháng sẽ tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng.

TS Lê Văn Dụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, chính sách của ngành điện miễn giảm tiền điện cho bệnh viện rất kịp thời, giúp giảm bớt được chi phí trong quá trình hoạt động, từ đó cũng dành những nguồn lực, chi phí đó bổ sung cho người và chi phí để bệnh viện chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên, Ba Đình, Hà Nội, trung bình một tháng toàn chợ tiêu thụ hết khoảng 100.000 kWh, tương đương 300 triệu đồng/tháng. Trong kỳ hóa đơn điện tháng 4, Ban Quản lý chợ đã được Công ty điện lực Hà Nội giảm 10%, tương ứng 30 triệu đồng. “Dù mức hỗ trợ không nhiều so với tổng chi phí nhưng nó cũng phần nào chia sẻ khó khăn với tiểu thương lúc kiệt quệ kinh tế”, ông Nghĩa nói.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện sử dụng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4, 5 và 6 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hằng tháng của các đơn vị điện lực) sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5, 6 và 7. Vì thế, có nhiều hộ dân tại Hà Nội ghi nhận, dù tháng 4 gia đình dùng nhiều điện hơn nhưng tiền điện phải trả lại ít hơn các tháng trước. Thí dụ, một gia đình có kỳ hóa đơn tháng 3 (từ 8/2 đến 7/3), dùng hết 259 kW giờ, số tiền điện phải thanh toán là 573.786 đồng. Nhưng tại kỳ hóa đơn tháng 5 (từ ngày 8/4 đến 7/5) gia đình đó dùng hết 281 kW giờ (nhiều hơn tháng 3 là 22 kW giờ), thì số tiền phải trả chỉ 571.661 đồng. Nhờ có chính sách giảm 10% tiền điện (áp dụng từ bậc 1 đến bậc 4), gia đình đã được giảm 63.496 đồng.

Chị Nguyễn Thị Tâm (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, nhà chị vừa được giảm 10% tiền điện của tháng 4. Số tiền giảm là 200 nghìn đồng trên tổng hóa đơn 2 triệu đồng. Số tiền này đã giúp gia đình chị  tiết kiệm chút ít bù vào hóa đơn tiền nước. Đặc biệt sự hỗ trợ này rất thiết thực trong những tháng cao điểm nắng nóng tới đây.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động đến mọi mặt của cuộc sống, ngành điện cũng gặp những khó khăn không nhỏ; các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị đình trệ, ngừng sản xuất đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kinh doanh điện năng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và cố gắng của ngành điện nói chung và của EVNHANOI nói riêng, chính sách giảm giá điện trong ba tháng liên tiếp, với tổng số tiền lên đến 11 nghìn tỷ đồng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Nhà nước, chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh toàn cầu.

Diệu Anh

Top