Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao

06/11/2019 3:29 PM

(Chinhphu.vn) – Tận dụng lợi thế đất đai và thị trường, nhiều huyện của Hà Nội đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung và ứng dụng công nghệ cao,mang lại giá trị kinh tế lớn.

Mô hình trồng rau an toàn tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Thành Nam

Những năm gần đây, do ruộng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả, Hà Nội đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn,… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25-30%.

Điển hình như tại huyện Mê Linh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao ở các xã Tam Đồng, Liên Mạc (từ 50ha/vùng trở lên); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt (200ha), Tiền Phong (90ha)...; vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh (190ha), Văn Khê (110ha)...

Ông Nguyễn Văn Hưng, một hộ nông dân huyện Mê Linh cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu trồng hoa cắt cành, từ khi chuyển sang mô hình trồng hoa thế, hoa chậu, ghép bon sai thì sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy, thu nhập tăng gấp 2-3 lần so với trước.

Hay như vùng sản xuất Rau an toàn ở các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây ăn quả ở một số huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm,… với giá trị 0,5 - 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã sản xuất và xây dựng được thương hiệu cho một số giống cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: Phật thủ, Nhãn chín muộn, Cam canh ở Hoài Đức, Bưởi Tôm vàng ở Đan Phượng.

Đến nay toàn Thành phố chuyển đổi được 40.035 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng 1.264 ha so với quý I/2019. Trong đó diện tích chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao có diện tích lớn nhất (15.707 ha), tiếp đến là diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả (7.346 ha), rau an toàn (2.935 ha)… Một số huyện có diện tích chuyển đổi lớn như: Sóc Sơn, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên...

Có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng  theo hướng hàng hóa không chỉ giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị xanh, hiện đại

Mặc dù việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu còn thiếu đổi mới để thúc đẩy sản phẩm ra nước ngoài.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đến năm 2020, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi tổng cộng 8.407ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản, đồng thời từng bước tạo nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại - nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, hiện các sở, ngành đang phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, trong thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao thu nhập trên 1 ha canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân. Bảo đảm diện tích gieo trồng với cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao; duy trì và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát.

Theo ông Chu Phú Mỹ, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mở hướng cho nông dân Hà Nội làm giàu trên đất lúa mà còn từng bước hình thành những vùng chuyên canh, đưa công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Đây chính là nền tảng để hướng tới một nền nông nghiệp đô thị xanh, hiện đại.

Trong Quyết định số 5931/QĐ-UBND, UBND Thành phố đã có những định hướng rất rõ, đó là việc chuyển đổi phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch đến các hộ dân, hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn; nghiêm cấm việc chuyển đổi tràn lan, tự phát.

Thành phố khuyến khích các hộ dân tự dồn thửa, đổi ruộng cho nhau hoặc liên kết nhiều hộ với nhau để thành diện tích canh tác lớn, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Các địa phương khi làm đề án chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của địa phương.

Thành Nam

Top