Chuyên nghiệp hoá chuỗi cung ứng thực phẩm

07/09/2021 3:43 PM

(Chinhphu.vn) - Chuyên nghiệp hóa chuỗi cung ứng thực phẩm là đòi hỏi đặt ra nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thực phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày một cao và nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi tình huống, đặc biệt trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách theo phân vùng để phòng, chống dịch COVID-19.

Ảnh minh họa

Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng của 8,1 triệu dân Hà Nội trong 15 ngày (từ ngày 6/9 đến 20/9/2021) thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 là 36.450 tấn gạo, 40.485 tấn rau củ quả, 9.716 tấn thịt gia súc, 2.429 tấn thịt gia cầm, 48,6 triệu quả trứng, 9.716 tấn thủy sản…

Do đó để bảo đảm nguồn thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, đòi hỏi các sở, ngành, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng, thực hiện các phương án sát với tình hình thực tế.

Tại các huyện "vùng xanh" nông nghiệp của thành phố Hà Nội như Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì…, nông dân vẫn sản xuất để bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào. Theo ông Đặng Bá Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Lan, hiện lượng nông sản trên đồng ruộng rất dồi dào, mỗi ngày hợp tác xã thu mua khoảng 2,5 - 3 tấn rau củ quả cung cấp ra thị trường. Từ nay đến 21/9 và thời gian tiếp theo, lượng nông sản vẫn đủ để cung cấp mỗi ngày từ 2 - 3 tấn, đáp ứng nhu cầu lương thực cho người tiêu dùng khi thực hiện Chỉ thị 20 của Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển thông tin, huyện đã có văn bản yêu cầu 23 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Trong đó, tập trung trồng luân canh các giống rau ngắn ngày và chuẩn bị nguồn giống gia súc, gia cầm để tăng đàn vật nuôi... từ đó tăng nguồn cung nông sản, bảo đảm nhu cầu về lương thực thực phẩm cho người dân địa phương cũng như sẵn sàng cung ứng cho các quận nội thành.

Về phía các doanh nghiệp cung ứng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan, nhằm thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ thị phân vùng mới của Thành phố, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 30% so với thời điểm trong thời gian giãn cách xã hội trước đó. Hiện, mỗi ngày cung ứng ra thị trường 6 – 10 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…).

Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với công ty Ngôi Sao Xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ vận chuyển hàng giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty đang dần phục hồi, đạt khoảng 50% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.

Xã Văn Đức (Gia Lâm) - vùng rau hàng hóa lớn nhất Hà Nội, được chọn làm điểm về mô hình kiểm soát, quản lý theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Văn Đức cho biết, hiện đơn vị đang cung cấp khoảng 30 tấn nông sản sạch trên địa bàn thành phố; trong đó, khoảng 2 - 3 tấn cung cấp tại huyện Gia Lâm, còn lại là phục vụ hệ thống siêu thị Aeon, Metro, Big C… và các quận, huyện khác. Xã Văn Đức là vùng rau chuyên canh nên lượng nông sản dồi dào, thời gian tới vẫn bảo đảm cung cấp từ 20 - 30 tấn/ngày cho Thủ đô, kể cả trong quá trình thực hiện Chỉ thị 20 và sau khi hết giãn cách.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, mặc dù có một số chợ, siêu thị tạm dừng hoạt động nhưng hệ thống phân phối đã triển khai nhiều hình thức cung ứng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.

Hiện các hệ thống phân phối trên địa bàn gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; 2.500 địa điểm bán hàng lưu động; 210 cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm, 52 doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm; 606 cửa hàng gas, 480 cửa hàng xăng dầu; 150 kho hàng; 125 đơn vị trồng trọt các mặt hàng thiết yếu; 378 doanh nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm; 16 đơn vị có khả năng cung ứng hàng hóa phục vụ trẻ em, người cao tuổi, 35 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử, với 565 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu).

Nguồn cung hàng hóa được đảm bảo dựa trên 2 nguồn gồm sản xuất trên địa bàn Thành phố và kết nối của các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện có 774 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành phía Bắc; 326 doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên; trên 200 doanh nghiệp các tỉnh phía Nam sẵn sàng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội.

Diệu Anh

Top