Cơ hội trải nghiệm và thương mại từ du lịch nông nghiệp

01/03/2019 6:11 PM

(Chinhphu.vn) - Cuộc sống ở các đô thị lớn thường thiếu không gian và những trải nghiệm thực tế với thiên nhiên. Những tour du lịch nông nghiệp mở ra giúp du khách có cơ hội tiếp cận và thay đổi không gian sống hữu ích hơn. Du lịch nông nghiệp cũng được coi là mảnh đất tiềm năng để phát triển thương mại tại Hà Nội.

Nhiều em học sinh tham quan các mô hình trang trại có kiến thức về thực vật sinh động hơn - Ảnh: Đỗ Hương

Sự hấp dẫn từ những điều mới lạ

Du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ, nông nghiệp hữu cơ để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho nông nghiệp…

Khu vực ngoại thành Hà Nội với những vùng quê yên bình, trù phú, xanh mướt nhiều vườn cây quả và trang trại đặc sản đang là tiềm năng đặc biệt cho ngành du lịch. Để đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp, rất cần sự cộng hưởng từ nhiều phía. Những năm gần đây, mỗi năm, làng rau sạch Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) đều đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng rau sạch của địa phương.

Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, đa phần đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú về quy trình sản xuất rau từ vun luống, bón phân hay gánh nước tưới cho từng luống rau, thậm chí họ còn được tận tay “sản xuất rau”… Không chỉ tại làng rau Giang Biên, mà một số mô hình tham quan trang trại, miệt vườn cũng đã được triển khai tại các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Phúc Thọ... giúp khách du lịch có những trải nghiệm thú vị.

Chị Trịnh Quỳnh Nga, Hà Đông thường tranh thủ ngày cuối tuần tổ chức cho con và các bạn đến thăm các trang trại ở ngoại thành hồ hởi kể: “Các cháu nhà tôi sống ở chung cư nên ít có điều kiện tiếp xúc với không gian thiên nhiên rộng lớn. Việc đi ra ngoại thành và được trải nghiệm cuộc sống sản xuất nông nghiệp giúp các cháu mở mang rất nhiều. Ngay cả bản thân tôi cũng cảm nhận được nhiều điều hữu ích, đặc biệt là trong tiêu dùng thực phẩm hàng ngày, khi mình đi mua hàng cũng biết được đồ tươi, đồ đông lạnh khác nhau như thế nào, nhìn rau củ biết được thế nào là phun thuốc lâu hay mới phun thuốc bảo vệ thực vật…”.

Giờ đây đã có không ít những trang trại được lập nên để cứ cuối tuần lại rộn ràng đón hàng trăm khách du lịch tới thăm, phần lớn là học sinh, sinh viên. Có thể kể như trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), nơi du khách không chỉ được thảnh thơi dạo bộ giữa không khí trong lành miền sơn cước mà trẻ nhỏ còn được tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại...

Tại các huyện Phúc Thọ hay Đan Phượng, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, được bàn tay cần mẫn, chăm chỉ của nông dân giàu kinh nghiệm chăm sóc, các vườn bưởi, ổi, đu đủ lúc lỉu quả vàng tươi, ngọt mát, thơm dịu hòa với khung cảnh làng quê thanh bình, đầy quyến rũ. Lạc vào những vườn cây này có cảm giác như “miệt vườn Nam Bộ” níu bước chân, vướng tầm nhìn bởi những cành trĩu quả treo trước mặt, có thể dễ dàng hái, nếm thử, rất thú vị.

Phát triển thế mạnh

TS. Ngô Kiều Oanh, người xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp trang trại đồng quê Ba Vì, cho biết du lịch nông nghiệp vốn là một trong những thế mạnh của Hà Nội, nhất là khi 70% người dân vẫn còn sống ở các vùng nông thôn. Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương…

Theo TS Oanh, đặc biệt, khu vực xung quanh chân núi Ba Vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương. Nơi đây hình thành các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời như: Làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao ở xã Ba Vì; các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau rừng, hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, trâu, bò vàng nổi tiếng... Nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ… cũng có điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp.

Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó, đòi hỏi một chiến lược dài hơi. TS. Oanh cho rằng: “Để nhân rộng mô hình du lịch nông nghiệp, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp; tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp từ tên gọi đến nội dung hoạt động; cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ; tăng cường vai trò của truyền thông…”.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Từ năm 2013, nhiều chính sách đã được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho các vùng, mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển. Hà Nội đang đẩy mạnh các hoạt động gắn du lịch nông nghiệp tại các trang trại ở Ba Vì, Đường Lâm (Sơn Tây), Cự Khối (quận Long Biên)… nhằm quảng bá thương hiệu, đồng thời, thúc đẩy tiến trình xây dựng các tuyến du lịch để thu hút khách”.

Để đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề thủ công truyền thống, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch một cách bài bản (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic…) kết hợp với dịch vụ homestay để góp phần giữ gìn môi trường; phát triển các chuỗi liên kết, tạo sức hút mạnh đối với khách du lịch.

“Để phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, giữa các trang trại, các vùng, giữa chính quyền và nông dân, công ty du lịch và địa phương cần phải “bắt tay” nhau nhiều hơn. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, bảo đảm văn minh, an toàn cho du khách”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Đối với những du khách đến từ những nền văn hóa khác biệt, việc được tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những đồ vật được sử dụng trong đời sống hàng ngày của bà con nông dân là những điều rất thú vị, hấp dẫn và nghệ thuật. Việc hấp dẫn du khách nước ngoài không phải là những điều xa lạ mà chỉ đơn giản như việc mặc cho khách mặc quần áo của nông dân đồng bằng Bắc Bộ, áo tứ thân, áo dài; học cách ăn bằng đũa, vào bếp nấu cơm từ gạo, bằng rơm rạ...

Đôi khi chỉ là những vật dụng của người nông dân dùng để bắt gà, bắt lợn nhưng cũng khiến nhiều khách Tây có những trải nghiệm vô cùng thích thú. Phong cách sống, đời sống hàng ngày của bà con nông dân cũng là sản phẩm mà khách du lịch quốc tế muốn thử, xem và cảm nhận.

Du lịch nông nghiệp là một thị trường ngách mà Hà Nội có rất nhiều tài nguyên để có thể cung cấp những sản phẩm tốt cho cả người Hà Nội và du khách phương xa đến với Thủ đô.

Đỗ Hương

Top