Còn 16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính

13/08/2019 4:34 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, với cường độ mưa từ 50-100 mm/2h, các tuyến phố chính trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại 16 điểm tại địa bàn các quận và một điểm trên đường gom, hầm chui Đại lộ Thăng Long.

Ông Võ Tiến Hùng (đứng), Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin tại giao ban - Ảnh: Hòa An

Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều nay (13/8), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2016, trên các tuyến phố chính khu vực nội thành có 18 điểm úng ngập cục bộ. Ngoài ra, việc tiếp nhận bàn giao quản lý duy trì sau đầu tư theo phân cấp còn tồn tại các điểm ngập cục bộ trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành.

Sau 3 năm, đến nay Thành phố mới xóa được 2 điểm úng ngập, còn tồn tại 16 điểm úng ngập trên các tuyến phố chính. Đó là các điểm: Ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt; Ngã 5 Đường Thành-Bát Đàn-Nhà Hỏa; Cao Bá Quát đoạn trước cửa Công ty Môi trường Đô thị; Đội cấn trước cửa số nhà 209; Ngã ba La Pho-Thụy Khuê; phố Minh Khai đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; đường Giải Phóng đoạn trước cửa bến xe phía Nam; phố Nguyễn Chính đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; phố Thanh Đàm; Nguyễn Khuyến đoạn trước trường Lý Thường Kiệt; Trường Chinh đoạn bệnh viện PKKQ; phố Hoa Bằng; đường Phạm Văn Đồng; đường Ngọc Lâm; phố Hoàng Như Tiếp; đường gom Đại lộ Thăng Long.

Nguyên nhân được chỉ ra từ năm 2016 là hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2, còn lại các khu vực khác chưa được đầu tu xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ theo Quy hoạch được phê duyệt nên tồn tại úng ngập khi xảy ra mưa lũ lớn.

Bên cạnh đó, các trạm bơm tiêu chính và công trình đầu mối kem theo như trạm bơm Liên Mạc, trạm bơm Đông Mỹ, trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được đầu tư đồng bộ, sông Nhuệ chưa được nạo vét và kè mái nên nhiều đoạn bồi lắng, lấn chiếm dẫn đến co thắt dòng chảy cũng là nguyên nhân chính không bảo đảm công tác thoát nước cho Thành phố.

Trả lời ý kiến liên quan đến giải quyết các điểm úng ngập, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng nhấn mạnh thêm, 12 quận nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 220 km2, trong khi đó hệ thống thoát nước mới đầu tư được trên 77,5 km. Tức là mới đầu tư hệ thống thoát nước được 1/3 tổng diện tích, khu vực phía Tây thành phố còn thiếu và chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước.

Đây là nguyên nhân còn xảy ra úng ngập tại các điểm nêu trên, do vậy, một số điểm úng ngập là bất khả kháng, phải chờ các dự án đầu tư mới khắc phục được, trong đó có điểm khu vực Đại lộ Thăng Long.

Về công tác cải tạo, sửa chữa, giải quyết các điểm úng ngập được ông Võ Tiến Hùng cho biết, do hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, xuống cấp, chưa đồng bộ theo quy hoạch, Công ty đã thực hiện các giải pháp duy trì, cải tạo 10 hạng mục công trình, kết hợp đồng bộ công tác duy tu duy trì để khắc phục các bất cập trên hệ thống thoát nước, giải quyết một số điểm đọng nước cục bộ, khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước hiện có.

Từ hiệu quả năm 2018, Công ty hiện đang nâng cấp Trung tâm giám sát, điều hành hệ thống thoát nước để tiếp tục triển khai nâng cấp, lắp đặt bổ sung camera giám sát điểm úng ngập; tiếp tục nâng cấp phần mềm HSDC Maps, bổ sung các chức năng cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh của điểm ngập, đồng thời tương tác với người dân thông qua chức năng gửi thông tin sự cố... Tiếp tục vận hành 15 điểm camera giám sát; vận hành hệ thống thoát nước theo thời gian thực tại lưu vực 5 con sông của Thành phố.

Công ty hiện đang xây dựng sơ đồ vận hành thệ thống thoát nước có tích hợp cao độ mực nước theo thời gian thực hiện trên 5 sông: Lừ Sét, Nhuệ, Kim Ngưu, Tô Lịch phục vụ công tác kiểm soát, quản lý, điều hành vận hành hệ thống thoát nước, đồng thời nghiên cứu khai thác cơ sở dữ liệu lịch sử mưa bão, úng ngập đã lưu trữ hỗ trợ cho việc nghiên cứu, xây dựng các phương án thoát nước hiệu quả để thông báo, tuyên truyền, cập nhật thông tin mưa bão, các khu vực úng ngập cho người dân.

Hòa An

Top