Còn nhiều khó khăn mang sản phẩm sạch tới người dân

15/02/2016 2:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đạt nhiều kết quả trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong năm qua nhưng tình trạng vi phạm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tồn tại và gây nhiều nhức nhối trong cộng đồng. Vì vậy, việc đẩy mạnh phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời sẽ vẫn được xem là biện pháp hàng đầu trong lộ trình đưa sản phẩm sạch đến với người dân.

Trong đợt kiểm tra ATTP dịp Tết Bính Thân. Đoàn liên ngành đã phát hiện cơ sở tư nhân sản xuất mứt bí không đảm bảo VSATTP. Ảnh: Tú Mai

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong năm qua, công tác quản lý ATTP nói chung đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng chính quyền và nhân dân từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, được triển khai sớm. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong công tác quản lý ATTP.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, tuyên truyền, thanh kiểm tra ATTP. Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương quận, huyện, thị xã trong bảo đảm ATTP tại địa phương.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 58 nghìn cơ sở thực phẩm; hơn 4,9 nghìn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm; hơn 21 nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm… Nhu cầu về thực phẩm của Hà Nội cần khoảng 890 nghìn tấn gạo, 139 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến… Chính vì vậy, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng.

Ban chỉ đạo VSATTP các cấp đã thực sự vào cuộc, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm, xử lý các cơ sở vi phạm với nhiều hình thức (kiểm tra hơn 137, 9 nghìn lượt cơ sở, phạt tiền hơn 3,4 nghìn cơ sở với hơn 18 tỷ đồng). Đồng thời tăng cường kiểm soát gà nhập lậu, tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Trong quá trình thanh kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo đài truyền hình với cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đến nay có 5,5 nghìn ha rau được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, trong đó 171 ha rau sản xuất theo VietGAP và 17 ha rau hữu cơ, 330 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, 80 ha chè sản xuất theo VietGAP; Duy trì 21 chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm an toàn (18 chuỗi sản phẩm động vật, 03 chuỗi rau, quả). Ngoài ra, ngành y tế còn phối hợp với Sở NN & PTNT các tỉnh triển khai mô hình quản lý ATTP theo chuỗi. Duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm về Hà Nội, về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chủ động giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Xử lý sớm các vụ ngộ độc thực phẩm (2 vụ 17 người mắc, năm 2014 có 2 vụ 47 người mắc), không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Đẩy mạnh phối hợp liên ngành

Mặc dù đã kiểm tra, xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm nhưng hiện nay vẫn còn một số cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm chưa rõ nguồn gốc. Một số sản phẩm thực phẩm còn có hàm lượng phụ gia nằm trong danh mục cho phép nhưng vượt ngưỡng giới hạn cho phép, không phù hợp bản công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm. Bên cạnh đó còn tồn tại sản phẩm nông lâm thủy sản chưa bảo đảm ATTP (số mẫu có chỉ tiêu ATTP vượt quá mức cho phép là 118/2236 mẫu chiếm 5,28%).

Ngoài ra, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn ra trên địa bàn. Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; kinh doanh thực phẩm kém chất lượng đối với các mặt hàng như: bánh, mứt, kẹo, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thủy hải sản, thực phẩm chức năng, ... không đảm bảo ATTP vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm, hạn chế tối đa thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm có hiệu quả và bền vững. Đồng thời hình thành mô hình quản lý chuỗi thực phẩm rau thịt an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn để người dân biết lựa chọn và tăng cường thanh, kiểm tra việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm… trong năm 206, ngành y tế sẽ kiểm tra có trọng tâm trọng điểm; đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm và rau, thịt trên địa bàn Thành phố. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, từng bước đưa các cơ sở thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về ATTP, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Bên cạnh đó sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm lưu thông, phụ gia thực phẩm, sản phẩm rau, thịt an toàn.

Để thực hiện, ngành y tế sẽ quản lý chặt chẽ đối tượng cơ sở thông qua thống kê rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, rau, thịt trên địa bàn trong quý I/2016. Tăng cường tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức và hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm… nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tuyên truyền lồng ghép, hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện theo quy định trong các văn bản hướng dẫn của các Bộ chủ quản và của Thành phố đúng quy định. Giới thiệu các địa chỉ tin cậy về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

Phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; lấy mẫu các sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ATTP và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách của nhà nước về kích cầu, tạo điều kiện thông thoáng về lưu thông hàng hóa để trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các Hội chợ tiêu dùng, Hội chợ hàng khuyến mại, các Hội chợ xuân tại các vùng sâu, vùng xa...

Tú Mai

Top