Công an Thủ đô quyết chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không”

21/12/2017 11:06 AM

(Chinhphu.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, Chuyên trang Thủ đô Hà Nội xin gửi tới độc giả bài viết của Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về những cuộc “đọ sức” của cán bộ chiến sĩ công an Thủ đô trong trận chiến khốc liệt năm xưa.

Trung tuần tháng Chạp năm 1972, cục diện chiến trường diễn biến bất lợi cho phe Mỹ ngụy, thất bại liên tiếp của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đẩy nguy cơ tái Mỹ hóa về quân sự tăng cao ở miền Nam, hoạt động leo thang chiến tranh ra miền Bắc không đạt hiệu quả như mong muốn, phải ngưng lại từ trước đó hơn một tháng; sức ép đàm phán ký kết, thực thi bản hiệp định hòa bình ở Hội nghị Paris gia tăng…khiến đối phương phải có sự “tính toán lại” trong triển khai các nước cờ tiếp theo.

Ở vào hoàn cảnh đó, giới chính khách và quân sự chóp bu Hoa Kỳ quyết định “dốc túi” huy động một lực lượng lớn không quân, hải quân, đáng chú ý là sự góp mặt đông đảo của pháo đài bay B-52, loại máy bay chiến lược ít có khả năng bị bắn hạ và đang làm mưa làm gió trên bầu trời, tấn công đánh phá quy mô lớn vào các mục tiêu trọng điểm thuộc khu vực bắc vĩ tuyến 17 hòng khuất phục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo thế thượng phong về quân sự, ngoại giao và tìm ra cách rút chân khỏi chiến trường Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chiến dịch mang mật danh “linerbacker II”.

Thể hiện xuất sắc vai trò xung kích, sáng tạo, anh dũng, kiên cường

Đêm 18, rạng sáng ngày 19 tháng 12 năm 1972, quân đội Mỹ huy động toàn bộ số máy bay ném bom B-52 đóng tại các căn cứ ở Đông Nam Á và vùng phụ cận với sự yểm trợ của các loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát điện tử làm nhiệm vụ hộ tống (F-4, F-105, F-111, A-6, A-7, EA-6A, EB-66…) triển khai đánh phá ở cấp độ hủy diệt đối với các cơ sở kinh tế, quốc phòng, dân sinh, các tuyến giao thông huyết mạch các tỉnh, thành phố trọng điểm miền Bắc, tập trung chủ yếu địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tại cuộc đọ sức lịch sử này, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết một lòng, tập trung trí tuệ, sức mạnh, lòng quyết tâm và quả cảm lập nên chiến công bắn hạ 30 máy bay tối tân các loại của không quân Mỹ, trong đó có 23 “pháo đài bay” B-52 (chiếm 67,6% số B52 bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc và chiếm 11,6% lượng máy bay được huy động tham gia chiến dịch).

Niềm tự hào và kiêu hãnh trên phương diện quân sự, khoa học kỹ thuật bị lung lay, đe dọa sụp đổ; tham vọng cùng những toan tính của giới chính khách, quân sự chóp bu bị phá sản; hết “cửa” thắng trong cuộc đấu, sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972, Nhà Trắng buộc phải tuyên bố chấm dứt chiến dịch linerbacker II.

Suốt trong 12 ngày đêm lịch sử đó, lực lượng Công an Hà Nội đã thực hiện xuất sắc vai trò xung kích, sáng tạo, anh dũng, kiên cường sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô góp phần dệt nên chiến công ngoạn mục với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại hoàn toàn mọi sự nỗ lực leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, điều này được thể hiện rõ nét trên các mặt: nắm chắc và làm chủ tình hình, kịp thời tham mưu hiệu quả giúp cấp ủy, chính quyền Thành phố đề ra các quyết sách chỉ đạo đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn; phối hợp tổ chức sơ tán, kết hợp bảo vệ sơ tán người và tài sản; đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ trị an, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự địa bàn dù là trong hoàn cảnh cam go nhất.

Nhờ thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến chiến trường miền Nam, bám sát chỉ đạo công tác của Bộ Công an, được sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, từ những ngày đầu tháng Chạp năm 1972, nhận định khả năng địch tổ chức một cuộc tấn công đánh phá quy mô lớn, không loại trừ tình huống đối phương tổ chức lực lượng biệt kích nhảy dù xuống địa bàn, Sở Công an Hà Nội yêu cầu lực lượng toàn Thành phố nắm chắc và làm chủ tình hình, sẵn sàng đánh địch khi có lệnh. Việc nắm chắc và làm chủ tình hình là cơ sở giúp đơn vị tham mưu với Thành ủy ra Thông báo số 50 về “sơ tán ngay người già, trẻ em và những người không thật cần thiết cho sản xuất và chiến đấu ra khỏi nội thành các khu vực trọng điểm ở ngoại thành”, sẵn sàng đương đầu với giặc trời, bão lửa.

Tới khi địch tiến hành đánh phá, với sự tham mưu kịp thời của Sở Công an Hà Nội, Thành ủy, Hội đồng phòng không nhân dân Thành phố nhanh chóng ban hành Lệnh số 09 L/PK về sơ tán cấp tốc, triệt để sơ tán tất cả các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên trong khu vực nội thành ra ngoại thành về các địa phương “áo giáp” Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã huy động toàn bộ các phương tiện vận chuyển, vận tải, trong đó có 182 xe ca, 54 xe tải tập trung phục vụ miễn phí các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên vận chuyển, sơ tán.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án bảo vệ sơ tán, mặt khác, để bảo đảm việc tổ chức sơ tán liên tục, thông suốt, an toàn, đúng kế hoạch theo lệnh của Thành phố, Sở Công an Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung đoàn 254 Công an vũ trang, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chiến đấu thường trực không quản ngày đêm, bất chấp đạn bom, luôn sẵn sàng chỉ huy trật tự giao thông, giải tỏa tắc nghẽn, tập trung bám tuyến, bám chốt tại các cửa ô Yên Phụ, Đống Mác, Cầu Dền, Đồng Lầm, Chợ Dừa, phà Chèm, phà Khuyến Lương và các tuyến liên tỉnh lộ số 5, số 6, số 1 và đường liên tỉnh lộ 11 (nay là đường quốc lộ 32) hướng sang các địa bàn phía Đông và Tây, Tây Nam Thành phố.

Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, với sự nỗ lực vượt bậc cùng sự tập trung cao độ của các lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ, chiến sỹ các đơn vị giao thông, trật tự, quản lý trị an, hình sự… lực lượng Công an Hà Nội đã bảo vệ thành công cuộc sơ tán cấp tốc gồm 547.895 người trong tổng số 65 vạn dân ở các tiểu khu, khu phố nội thành, vùng trọng điểm (trong đó, có 285.975 người lớn, 257.920 trẻ em) cùng một khối lượng tài sản khổng lồ ra ngoại thành và về các địa phương lân cận một cách nhanh gọn, bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự và an toàn.

Lúc này, toàn thành phố Hà Nội chuyển sang thực hiện nếp sống quân sự hoá, mọi sinh hoạt, công tác, học tập đều chuyển hướng theo tình hình thời chiến. Nằm trong đội hình ở lại trực tiếp bám trụ chiến đấu, quyết tâm bảo vệ Thủ đô Hà Nội bằng mọi giá, lực lượng cán bộ chiến sĩ Công an các khu, huyện vừa chỉ huy chiến đấu, vừa tổ chức cắm chốt sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, tiến hành khơi lại hầm hố, giao thông hào tại trụ sở đơn vị, doanh trại và các khu vực trọng điểm; lên lại sơ đồ hầm hố phục vụ công tác tìm kiếm, đào bới sau mỗi trận bom.

Bằng sự nỗ lực cao độ và quả cảm to lớn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, cùng quyết tâm đánh bại mọi bước leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ, mọi đơn vị An ninh, Cảnh sát, các khu, đồn Công an đều thi đua lập chiến công xuất sắc. Các đồn Công an số 42, 43, 44 khu Đống Đa; các Đồn Công an số 22, 23, 24 khu Hai Bà Trưng, Đồn Công an thị trấn Yên Viên, Đồn Công an khu 7 thị trấn Gia Lâm là những điển hình xung kích, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm về bảo vệ trật tự trị an đường phố, tích cực tuần tra bảo vệ tài sản, nhà cửa nhân dân sơ tán, nhất là những nơi bị địch tập trung đánh phá. Các đơn vị Công an cơ sở còn trực tiếp tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu thương, cứu sập, tuần tra canh gác bảo vệ hiện trường, phối hợp phát hiện tháo gỡ 101 quả bom nổ chậm, 160 bom xuyên, 220 quả bom sát thương… dọn dẹp hiện trường sau mỗi đợt địch dội bom đánh phá.

Là địa bàn then chốt, đóng vai trò cân não, quyết định đối với cục diện trận chiến ở hậu phương lớn miền Bắc, trong vòng 12 ngày đêm, Hà Nội đã trực tiếp đương đầu với 45 trận đánh bom (trong đó có 30 trận ban đêm) cấp tập với mức độ và quy mô hủy diệt diện rộng. 2.289 người bị giết hại, hơn 1.500 người bị thương, hơn 13.000 ngôi nhà bị phá huỷ.

Trong mọi hoàn cảnh, dù là cam go nhất, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm, động viên khích lệ kịp thời từ cấp cao nhất của Trung ương, chỉ đạo nghiệp vụ sát sao của Bộ Công an và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền Thành phố. Đáng chú ý, từ chiều ngày 26/12/1972, nhận được chỉ thị mật về việc địch có thể dùng B52 huỷ diệt một số đường phố nội thành, trong đó có Khâm Thiên, nhằm gieo sự huỷ hoại trong nhân dân và buộc ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán Hội nghị Paris, Sở Công an Hà Nội đã tăng cường lực lượng cho các đơn vị trọng điểm, trong đó có Đồn 42 (Công an phường Khâm Thiên), chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Cảnh sát trực ban trật tự và huy động cán bộ, chiến sỹ Khu Công an Đống Đa đến từng hộ dân triệt để vận động, giải thích, đưa được trên 5.000 khẩu đi sơ tán khẩn cấp, giảm nhiều thiệt hại khi địch rải thảm B52 đêm 26/12/1972.

Những chiến sĩ công an quả cảm

Để chủ động xử lý tình hình nguy cấp khi địch đánh phá, ngoài việc thành lập các đội tải thương cơ động tổ chức cứu thương, sửa chữa điện, nước, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, chôn cất người hy sinh và cứu giúp người bị nạn ở các tuyến phố nội thành và các khu vực trọng điểm như: Khâm Thiên, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng, khu 7 Gia Lâm, Bệnh viện Bạch Mai… Sở Công an Hà Nội còn tập trung phương tiện, lực lượng tiến hành cứu hộ, cứu sập tại các cơ sở ngoại giao và địa điểm có nhân viên sứ quán, người nước ngoài ở, làm việc, trong đó có các tòa đại sứ quán của nước Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Hungari, Cộng hòa nhân dân Bungari… bị bom Mỹ ném trúng gây thiệt hại về nhà cửa.

Trong chiến đấu xuất hiện nhiều tập thể và gương cá nhân chẳng quản ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao. Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng PK57C nêu cao tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường anh dũng” đêm ngày kiên cường bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông được phân công phụ trách; tổ cảnh sát cắm chốt khu vực Phà Đen tích cực phối hợp với các đơn vị vũ trang bắt sống phi công Mỹ bị bắn hạ tại khu vực cầu Khuyến Lương; các đơn vị cảnh sát bảo vệ dũng cảm chiến đấu, bảo vệ các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của Trung ương và địa phương, như: Đài phát thanh Mễ Trì (Từ Liêm), kho xăng Đức Giang (Gia Lâm), Đài Điện Ly (Đông Anh), Cầu Long Biên, Nhà máy Điện Yên Phụ… 

Các đồng chí Nguyễn Văn Uân, cảnh sát khu vực Đồn 23, khu phố Hai Bà Trưng; Phan Điện Biên, cảnh sát giao thông Gia Lâm, mưu trí, quả cảm che chắn bom đạn cho nhân dân, cứu hàng hóa, vật tư tài sản nhà nước. Đặc biệt là sự hy sinh của toàn bộ kíp trực chiến Đồn 42 khu phố Đống Đa (gồm 4 đồng chí Tô Đình Tường, Phó Trưởng đồn, Phan Sỹ Hợp, Nguyễn Đình Mừng và Nguyễn Văn Liên) trong trận đánh phá của địch tối 26 tháng 12.

Đối diện trước sức ép to lớn bão lửa mưa bom của kẻ thù và thực tế khó khăn của công tác này trong hoàn cảnh có muôn vàn hiểm nguy cận kề, đã có 18 đồng chí Công an, dân phòng, bảo vệ dân phố Hà Nội hy sinh, 14 đồng chí bị thương, 1 tập thể và 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, 15 đơn vị được tặng thưởng huân chương chiến công các loại…

Suốt trong những ngày diễn ra sự kiện “12 ngày đêm”, nhịp sống Hà Nội chuyển biến rất mau lẹ sang thời chiến, nhà nhà, người người đi sơ tán, nhưng mỗi căn nhà, góc phố dù có khóa hay không khóa vẫn được bảo đảm an ninh, an toàn. Việc phối hợp với lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên tuần tra trong khối phố được tăng cường, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội giảm nhiều so với trước. Mỗi người dân đi sơ tán đều yên tâm, tin tưởng khi giao phó chìa khóa và gửi gắm các chiến sỹ Công an, lực lượng bảo vệ trị an cơ sở trông nom nhà cửa, tài sản.

Trong những thời khắc căng thẳng nhất, Hà Nội vẫn không hề rối loạn. Mỗi khi dứt lệnh báo động, tuy gấp gáp hơn thường nhật, nhưng người Hà Nội vẫn lại đổ ra đường sinh hoạt, mua bán, tranh thủ sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa và tập trung tìm kiếm thân nhân, cứu giúp những trường hợp bị bom đạn. Sự bình tĩnh, hiên ngang này vừa thể hiện bản lĩnh và khí phách của Hà Nội, nhưng cũng minh chứng thêm về sự ổn định tình hình an ninh, trật tự trong mọi hoàn cảnh với sự đóng góp thầm lặng, quan trọng của những người cán bộ chiến sĩ công an Thủ đô và lực lượng bảo vệ trật tự trị an cơ sở.

Với mọi chiến thắng, nhất là chiến thắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” trước đối thủ có ưu thế nhiều mặt như Hoa Kỳ chẳng thể mang tính ngẫu nhiên, nó đến từ việc huy động sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị công phu và việc triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn, sẵn sàng ứng phó trước mọi tình hình.

Thắng lợi giành được sau 12 ngày đêm đối đầu với lực lượng không quân và hải quân hùng hậu Hoa Kỳ, trong đó có những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Thủ đô, đơn giản chỉ là “một thắng lợi trong chuỗi thắng lợi trong suốt 30 năm kháng chiến giành độc lập”, và cao đẹp hơn cả, lực lượng cán bộ chiến sĩ công an Thủ đô đã góp phần tô thắm thêm truyền thống của người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; góp sức đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử của đế quốc Mỹ. Kết thúc trận đối đầu, chúng ta có thể chủ động tái khởi động kênh ngoại giao thúc đẩy ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, mở đường cho tiến trình thúc đẩy lực lượng quân đội Hoa Kỳ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam, tạo tiền đề cho các thắng lợi tiếp theo của cách mạng.

Từ thực tế chiến đấu, công tác của lực lượng Công an Thủ đô, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, trước hết, phải bám sát sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố và chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an song song với chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, trở ngại, mưu trí, dũng cảm đánh bại mọi âm mưu của kẻ địch, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự địa bàn. Ở vào hoàn cảnh nguy nan, cân não, điều đó càng thể hiện rõ ràng, sắc nét và phát huy tối đa, hiệu lực, hiệu quả đồng thời là yếu tố cốt lõi giúp Công an Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự được Đảng, Nhà nước, ngành Công an và nhân dân tin tưởng giao phó.

Cùng với đó là bài học cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng không nhân dân với thế trận an ninh nhân dân; phát huy sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong mọi hoàn cảnh dù cam go nhất; duy trì phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp là bàn đạp vững chắc giúp đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn; Với việc tuyên truyền hiệu quả của lực lượng công an, quần chúng nhân dân luôn triệt để giữ gìn bí mật, nâng cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh công tác bảo vệ nội bộ; phát hiện những người lạ mặt hoặc tình nghi đến địa phương, kịp thời báo cáo cho cơ quan công an biết để xử lí. Nơi nơi đều thực hiện phong trào “3 không”, “3 biết” với kẻ địch, với những người lạ và đối tượng nghi vấn đến địa bàn.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải

Top