Công đoàn Hà Nội tích cực chủ động, chăm lo tốt cho người lao động

19/02/2016 5:23 PM

(Chinhphu.vn)- Sáng nay 19/2, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam do Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng chủ trì đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, Đại hội XV Công đoàn TP và tình hình công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc

Theo đánh giá của LĐLĐ TP, nửa nhiệm kỳ thực hiện cho thấy các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Đại hội XV Công đoàn TP đề ra là phù hợp với thực tế; các chương trình hành động được triển khai thể hiện sự vận dụng linh hoạt nhiệm vụ chính trị của TP và chương trình công tác hàng năm của Tổng LĐLĐ vào thực tiễn hoạt động công đoàn Thủ đô.

Hiện hầu hết chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XV Công đoàn TP đều đạt trên 60% và có những chỉ tiêu đạt so với kế hoạch: TP đã thành lập mới 15 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, đạt 60% kế hoạch; hàng năm giới thiệu và có trên 7.000 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào đảng; trên địa bàn TP có 92,5% số công đoàn cơ sở phát động, tổ chức phong trào thi đua, vượt chỉ tiêu đề ra; tối thiểu 95% CNVCLĐ được quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng, công đoàn, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật Nhà nước...

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của CNVCLĐ thì công tác tuyên truyền, giáo dục chưa được duy trì thường xuyên, công tác trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho NLĐ còn hạn chế. Nhất là vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ ngoài khu vực Nhà nước có rất nhiều khó khăn, vẫn để xảy ra tranh chấp lao động…

Bên cạnh đó, về tình hình sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Ban Chấp hành LĐLĐ TP nhận định, dư luận CNVCLĐ trên địa bàn nói chung ổn định, nhiều đơn vị DN đã ra quân phát động thi đua ngay từ ngày mùng 6 Tết và các cơ quan hành chính sự nghiệp đi làm theo đúng quy định của Nhà nước, trong đó khoảng 97% CNLĐ các DN trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Dù vậy, vẫn xảy ra vụ việc trên 600/1.020 CNLĐ Công ty TNHH INKEL ngừng việc tập thể vì DN tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 122/CP nhưng lại cắt các khoản trợ cấp, phụ cấp…

Công đoàn - Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cùng LĐLĐ huyện Mê Linh đã phối hợp giải quyết vụ việc này. Ngày 17/2, Ban giám đốc Công ty đã thông báo đến toàn thể công nhân về điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 428.000 đồng cho mọi công nhân khối trực tiếp sản xuất và các khoản phụ cấp của Công ty mà NLĐ đang được hưởng giữ nguyên không đổi so với trước đây; đề nghị CNLĐ trở lại làm việc bình thường từ 13h ngày 17/2.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo LĐLĐ TP nêu kiến nghị TP Hà Nội có chính sách ưu đãi hơn để NLĐ có thu nhập thấp thuê hoặc mua nhà ở, chỉ đạo thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, KCX đến năm 2020” (đã được Thủ tướng phê duyệt) và Chỉ thị số 09 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở những KCN-KCX…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định: TP thời gian qua đã có những cơ chế đặc thù phát triển tổ chức công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên, từ đó tạo nguồn phát triển đảng viên; luôn dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, trong đó nhiều nhà ở dành cho công nhân đang còn khó khăn.

Đối với nhiệm vụ năm 2016, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Đây là năm có ý nghĩa quan trọng bởi là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, năm đầu triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -  2020 của TP. Trong phát triển kinh tế - xã hội năm nay còn gặp nhiều thách thức do các hiệp định FTA và TPP mang lại; TP chủ trương phát triển kinh tế sẽ thu hút nhiều DN FDI, sẽ mở rộng thêm nhiều KCN, trong đó có KCN hỗ trợ Nam Hà Nội thu hút nhiều DN Nhật Bản sẽ tạo việc làm cho nhiều CNLĐ… Những điều này mang lại không chỉ cơ hội mà cả không ít khó khăn cho hoạt động công đoàn, các cấp công đoàn TP cần chủ động nắm bắt.

Từ thực tiễn, LĐLĐ TP cũng cần chủ động tham mưu đề xuất về những cơ chế chính sách chăm lo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, nhất là đối với công nhân tại KCN. Ngoài ra, công đoàn cần tuyên truyền vận động NLĐ học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và kỷ luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế sâu rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức hội nghị cán bộ công chức NLĐ, ký thỏa ước lao động tập thể để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đảm bảo an sinh xã hội; chủ động xây dựng các dự án cho CNLĐ vay vốn, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ, nhất là ở những khu vực đô thị có tốc độ phát triển nhanh…

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng yêu cầu: Công đoàn TP cần thực hiện được việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của công đoàn theo chủ trương của Tổng LĐLĐ theo hướng sát cơ sở hơn. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoạt động của các KCN-KCX, bám vào nhu cầu sát sườn nhất của CNLĐ như chất lượng bữa ăn giữa ca, tránh ngộ độc thực phẩm…

“Tối thiểu tại Hà Nội phải đảm bảo bữa ăn ca cho công nhân đạt từ 15.000 đồng/người trở lên, DN nào cho CNLĐ hưởng dưới mức này thì công đoàn phải đứng ra đấu tranh cho bằng được, cũng như phải có những biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn”, ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu.

Theo KTĐT

Top