Công nhận danh hiệu 8 "Làng nghề" Hà Nội năm 2017

26/12/2017 5:47 PM

(Chinhphu.vn)-UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 8886/QĐ-UBND, công nhận danh hiệu 8 "Làng nghề" Hà Nội năm 2017.

Vườn quất ở Làng hoa Đại Thịnh, xã Đại Bái, huyện Mê Linh-Ảnh Internet

Theo đó, 8 làng nghề đạt danh hiệu “Làng nghề” Hà Nội năm 2017, gồm: Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, xã Mê Linh; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì, xã Mê Linh; Làng nghề hoa Đại Thịnh, xã Đại Bái; Làng nghề mỳ bún Yên Thị, xã Tiến Thịnh; Làng nghề bánh đa Trung Hà, xã Tiến Thịnh (đều thuộc huyện Mê Linh); Làng nghề mộc dân dụng Đồng Cả, xã Tân Dân; Làng nghề mộc dân dụng Thường Liễu, xã Tân Dân; Làng nghê mộc dân dụng Gia Phú, xã Tân Dân (đều thuộc huyện Phú Xuyên).

Các làng đạt danh hiệu “Làng nghề” Hà Nội năm 2017 này được UBND TP.Hà Nội cấp Giấy công nhận danh hiệu “Làng nghề” và được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Trước đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; TP sẽ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến một triệu lao động nông thôn với thu nhập đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/người/năm…

Để thực hiện được những mục tiêu này, Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề nói chung, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề. Thành phố sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới cho làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo Khánh

Top