Công tác tổ chức cán bộ là cốt lõi trong xây dựng Đảng

20/07/2018 4:11 PM

(Chinhphu.vn) - Một trong những bài học kinh nghiệm được Hà Nội chỉ ra trong 10 năm qua trong công tác xây dựng Đảng là bài học về công tác tổ chức cán bộ. Đây vừa là động lực, vừa là nguyên nhân của những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW-Ảnh: Diệp An

Phát triển gần 6 nghìn đảng viên mới

Sáng 20/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 22, Thành uỷ Hà Nội đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cũng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sau 5 năm thực hiện, toàn Đảng bộ đã thành lập mới 856/1036 tổ chức đảng (đạt 88,15% chỉ tiêu Nghị quyết), phát triển được 5.964 đảng viên mới.

Đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, ngoài việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đảng trong doanh nghiệp, Ban Tổ chức Thành ủy còn triển khai Đề tài khoa học cấp Thành phố “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các tổng công ty trực thuộc Thành ủy”, qua đó hoạt động của các tổ chức Đảng đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Kết quả, sau khi thực hiện Đề án về kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn, toàn Thành phố đã giảm trên 2 nghìn thôn, tổ dân phố; chia tách, sáp nhập các chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn, qua đó giảm 985 chi bộ và gần 5 nghìn cán bộ.

Quan trọng hơn, Thành phố đã kiện toàn thống nhất mô hình tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, vừa giúp giảm chi ngân sách, vừa tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Nhằm xây dựng TCCSĐ và hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn với củng cố cơ sở đảng yếu kém, Thành ủy Hà Nội đã tiến hành rà soát trên toàn Thành phố, chỉ ra 86 TCCSĐ có nội dung cần quan tâm củng cố và có 326 vụ việc phức tạp. Trong một thời gian ngắn (tính đến hết năm 2017), có 148/326 (45,4%) vụ việc phức tạp được giải quyết; 75/86 TCCSĐ được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo đánh giá, trong 10 năm qua, công tác xây dựng Đảng từ Thành phố đến cơ sở đã có chuyển biến rõ nét; nhiều TCCSĐ đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; luôn bám sát quan điểm, nguyên tắc của Đảng, chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, đảng ủy cấp trên; đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới của Thủ đô, đất nước.

Tập trung nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW cùng với thời điểm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, chính vì thế, một trong 5 bài học kinh nghiệm được Thành phố chỉ ra trong 10 năm qua chính là bài học về công tác tổ chức cán bộ. Đây vừa là động lực, vừa là nguyên nhân của những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được.

Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết 22 của Trung ương gắn với nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên bằng tinh thần chỉ đạo kiên trì, quyết liệt, sáng tạo. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCCSĐ trong các cơ quan, đơn vị, trong khối trường học, đặc biệt là các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Nhờ đó trong 10 năm qua, Hà Nội luôn là điểm sáng về thu hút đầu tư, hiện nay toàn Thành phố có trên 230 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Về yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho rằng cần tiếp tập trung nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, củng cố cơ sở đảng yếu kém, đảm bảo phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong mọi tình huống.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện tốt Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Theo Phó Bí thư Đào Đức Toàn, nếu đối thoại tốt thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết, cái chính là phải năng động, sáng tạo, quyết tâm tìm giải pháp để thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nỗ lực, đề ra giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cấp gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Diệp An

Top