Cụm công nghiệp làng nghề: Không chỉ là kỳ vọng kinh tế

09/05/2019 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng các Cụm công nghiệp (CN) làng nghề tại Hà Nội được kỳ vọng không những giữ được các làng nghề truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ các sản phẩm làng nghề, mang về giá trị kinh tế cao cho người dân ở nông thôn.

Một cơ sở chuyên về ngành gỗ nằm trong Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu - Ảnh: Nguyễn Thắng

Còn nhiều khó khăn

Đến nay, có thể khẳng định các khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giải quyết việc làm, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Tuy nhiên, quá trình phát triển các khu, cụm công nghiệp ở thành phố Hà Nội mở rộng (năm 2008) đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, như: Công nghệ lạc hậu, lao động phổ thông là chính, sức cạnh tranh sản phẩm kém, giá thành cao, ô nhiễm môi trường. Trong khi xu hướng chung của quá trình hội nhập quốc tế tại các quốc gia đều ưu tiên phát triển các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch… theo hướng bền vững.

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 198 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng thu hút trên 626,5 nghìn lao động với trên 166,3 hộ sản xuất. Năm 2015, giá trị sản xuất của khu vực làng nghề đạt trên 7.658 tỷ đồng, chiếm 8,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, trong đó, giá trị sản xuất của 274 làng nghề được công nhận đạt trên 6.077 tỷ đồng. Nhiều cơ sở sản xuất đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc thay thế một số công đoạn thủ công, vì vậy năng suất, chất lượng đã tăng đáng kể.

Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển. Cụ thể, mặt bằng tại các làng nghề chật hẹp chỉ đáp ứng từ 25- 30% nhu cầu, xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng tại gia đình khó có thể đầu tư đổi mới công nghệ; vốn cho sản xuất- kinh doanh của các cơ sở phần lớn là vốn tự có; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa; tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề đã tới mức báo động, đặc biệt ở các làng nghề chế biến thực phẩm, cơ khí…

Đáng chú ý, việc phát triển cụm công nghiệp cũng như di dời cơ sở sản xuất vào các cụm cũng rất khó triển khai, do giá thuê đất quá cao, vượt khả năng đáp ứng.

Nghệ nhân Trần Đức Tân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Thịnh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, để một cơ sở sản xuất di dời ra cụm công nghiệp vốn đầu tư là khoảng 10 tỷ đồng, bao gồm: Tiền thuê đất, xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề có quy mô nhỏ, tài chính hạn chế. Việc vay vốn ngân hàng cũng rất khó khăn, bình quân mỗi cơ sở chỉ vay được khảng 100 triệu đồng, chỉ đủ đầu tư thiết kế, sản xuất một bộ sản phẩm mẫu mới.

Ông Đàm Tiến Thắng cũng chia sẻ thêm, do phê duyệt tại các thời điểm khác nhau nên mặc dù có nhiều cụm công nghiệp đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập cụm theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật.

“Cần phải làm rõ việc thực hiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trước hay sau đó sẽ điều chỉnh các quy hoạch khác liên quan hay ngược lại. Cần phải đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan trước làm cơ sở để quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp”, ông Thắng nêu khúc mắc.

Hiện nay, việc tổ chức lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu, cụm, điểm công nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, nhiều chủ đầu tư năng lực hạn chế, nên tiến độ triển khai xây dựng chậm, hoặc không thực hiện được. Công tác lựa chọn, tiếp nhận các dự án đầu tư thứ phát vào một số khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa lựa chọn được các dự án có hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố.

Phát triển xứng tiềm năng

Trước những vướng mắc trên, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phát triển làng nghề. Thông qua chương trình khuyến công, thành phố đã tổ chức 97 lớp truyền nghề cho 3.395 lao động; tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội thu hút 3.000 khách thương mại, trong đó có 625 nhà nhập khẩu nước ngoài ký kết 10 hợp đồng với giá trị 300.000 USD.Thành phố cũng hỗ trợ 5 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm; 3 dự án đầu tư đổi mới thiết bị…

Hoạt động của các khu, cụm, điểm công nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2011, tại các khu, cụm, điểm công nghiệp, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 75.000 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách 1.500 tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD, tổng số lao động là 200.000 người. Sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm, điểm công nghiệp đã chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng, với hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp và hơn 50% giá trị xuất khẩu toàn Thành phố. Phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp đã tạo tiền đề cho việc phát triển đô thị, dịch vụ của thành phố Hà Nội với tốc độ cao trong thời gian qua.

Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công thương), Nghị định 68/2017/NĐ-CP đã tạo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng hơn, góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68 tại một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ. Nhiều địa phương vẫn còn gặp khó trong việc triển khai Nghị định này như Quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp nay không còn phù hợp với Luật Quy hoạch nên việc lựa chọn chu đầu tư cần được hướng dẫn cụ thể hơn.

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68 về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, trình Chính phủ trong Quý IV/2019. “Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện thể chế, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động liên quan đến cụm công nghiệp; thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi và phối hợp trong việc quản lý nhà nước về cụm công nghiệp. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển cụm công nghiệp tạcác địa phương từ khâu quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các cụm công nghiệp”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.

* Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành các quyết định về việc thành lập 3 Cụm công nghiệp làng nghề: Chàng Sơn - Giai đoạn 2, Dị Nậu (cùng tại huyện Thạch Thất) và Cầu Bầu - Giai đoạn 2 (huyện Ứng Hòa).

Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn - Giai đoạn 2 có quy mô 15,3ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất đồ gỗ, sản phẩm từ gỗ, nội thất gia dụng; dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp… Tổng mức đầu tư khoảng 358,34 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Từ quý III năm 2019 đến quý I năm 2021.

Cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu có quy mô 10ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất đồ gỗ, sản phẩm từ gỗ, nội thất gia dụng; dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp... Tổng mức đầu tư cụm công nghiệp khoảng 267,570 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Từ quý III năm 2019 đến quý I năm 2021.

Cụm công nghiệp Cầu Bầu - Giai đoạn 2 có quy mô khoảng 5,29ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất đồ gia dụng, chế biến lâm sản, sản xuất gia công cơ khí, dịch vụ phục vụ cụm công nghiệp… Tổng mức đầu tư khoảng 128,328 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Từ quý II năm 2019 đến quý IV năm 2020.

Nguyễn Thắng

Top