Cuối năm-cẩn trọng với dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm

06/11/2018 9:42 AM

(Chinhphu.vn) - Với tổng đàn lợn thuộc tốp đầu cả nước, Hà Nội có nhiều nguy cơ cao bị xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Khử trùng tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, hiện nay chưa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch này từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta là rất cao thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn… nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Đối với Hà Nội, nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu phi là quá cao, do có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước với khoảng 2,04 triệu con. Trên địa bàn Thành phố hiện có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn, với tổng đàn nuôi khoảng 450 nghìn con. Hiện nay Thành phố cũng đã hình thành các xã chăn nuôi trọng điểm nên việc xuất nhập, vận chuyển lợn ra vào các xã trọng điểm này quá lớn, trong đó có cả việc xuất nhập từ các tỉnh về.

Mặt khác, Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào. Vì vậy công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Phương thức chăn nuôi hiện nay trên địa bản Thành phố có tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao (trên 60%) do đó khó kiểm soát về dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết khí hậu và diễn biến dịch bệnh động vật phức tạp, đặc biệt là dịp cuối năm lưu lượng gia súc gia cầm ra, vào Thành phố rất lớn, chứa nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc gia cầm cũng như việc xâm nhiễm dịch bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn Hà Nội. 

Đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn

Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, ngay  sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT có Công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Thành phố đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành để ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn Thành phố. Trong đó đưa ra hai tình huống cụ thể, là tập trung các giải pháp khi chưa có dịch xảy ra và những biện pháp cụ thể để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có dịch xảy ra.

Sở NN&PTNT cũng đã có ngay văn bản đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp cụ thể đến các quận, huyện, thị xã. Trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật về tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc nhất là ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, giám sát dịch bệnh, quản lý chặt chẽ việc xuất, nhập lợn vào địa bàn Thành phố.

Thành lập ngay hai đoàn Kiểm tra đi kiểm tra tất cả các quận huyện, thị xã. Trong đó, có nhiều huyện đã làm tốt việc triển khai các giải pháp như: Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Chương Mỹ ... Điều đáng ghi nhận là trong chỉ đạo các quận huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy toàn dân cùng tham gia phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu phi. Các địa phương cũng đã quan tâm đến việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh nhất là về mở các lớp tập huấn, hóa chất, vôi bột cho các nơi nguy cơ lây nhiễm cao, bãi rác, chợ, nơi buôn bán động vật, sản phẩm động vật.

Đặc biệt, Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố duy trì hoạt động của 4 trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông (trạm Ba La, Ngọc Hồi, Dốc Lã, Chốt Trung Giã - Sóc Sơn) nhằm kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào; 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành (tại Thường Tín, Minh Hiền, Vạn Phúc, Bắc Thăng Long) thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật trước và sau khi giết mổ. Riêng các chốt tại cơ sở giết mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đảm bảo trực 24/24h nhằm giám sát chặt chẽ số lợn được nhập các tỉnh thành về cơ sở giết mổ. Trong quá trình kiểm tra cán bộ chuyên môn đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo mạng lưới Thú y cơ sở hàng ngày theo dõi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Song song tổ chức thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tính chất nguy hiểm của bệnh. Hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, mua lợn giống rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn…

Mặc dù nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam nói chung và vào Hà Nội nói riêng là quá cao nhưng Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, với các giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt có sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi luôn cảnh giác không chủ quan lơ là thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được bệnh dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn Thành phố.

Thiện Tâm

Top