Đã thực hiện tốt cam kết quốc tế về phân phối thuốc

25/06/2017 9:48 AM

(Chinhphu.vn)-Tại biểu cam kết dịch vụ trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, cũng như các cam kết quốc tế song phương và đa phương đã được ký kết, Việt Nam luôn thành công trong việc loại trừ phân phối dược phẩm ra khỏi phạm vi cam kết. Điều này có nghĩa là Việt Nam chưa cam kết mở cửa dịch vụ phân phối dược phẩm dưới mọi hình thức cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bảo lưu quyền phân phối cho các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tạo cơ hội phát triển ngành dược mà còn mang một ý nghĩa quan trọng về bảo đảm an ninh y tế quốc gia.

Có thể khẳng định, tầm quan trọng của phân phối dược phẩm và phát triển hệ thống phân phối dược phẩm có ý nghĩa rất lớn trong việc việc bảo đảm luôn sẵn có, đủ thuốc với chất lượng cao đáp ứng kịp thời nhu cầu về thuốc thiết yếu phòng, chữa bệnh cho nhân dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi, đảm bảo thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân của Chính phủ. Đồng thời, việc bảo lưu quyền phân phối sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp dược Việt Nam tập trung đầu tư sản xuất thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị trong nước, tạo lợi thế để từng bước hình thành các doanh nghiệp phân phối thuốc lớn, chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động trong cung ứng, phân phối thuốc.

Việc phát triển hệ thống phân phối thuốc đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu phòng, chữa bệnh cho người dân-Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được lợi thế

Năm 2007, khi Việt Nam ký kết Hiệp định và tham gia vào WTO, nền sản xuất thuốc của Việt Nam vẫn ở thời kỳ đầu của phát triển, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư gia tăng số lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất, chưa tập trung phát triển mạnh kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức phân phối nhỏ lẻ, thị trường manh mún, khó cạnh tranh. Vì thế miếng bánh phân phối thuốc vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài, một cách không chính thống.

Cụ thể, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đăng ký hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam đã liên kết với một số doanh nghiệp dược trong nước để thực hiện việc “phân phối núp bóng”. Tức là, các doanh nghiệp dược của Việt Nam nhập khẩu rồi bán thuốc theo sự điều khiển của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tất các khâu, từ quy định giá bán, đối tượng bán, đến thời điểm xuất kho, phương pháp tiếp thị, nhận đơn đặt hàng, vận chuyển, thanh toán. Hoạt động của các doanh nghiệp dược Việt Nam trong mối liên kết này phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ được hưởng một khoản phí rất thấp, chỉ khoảng 0,3%.

Năm 2016 chỉ với 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bảo quản thuốc tại Việt Nam (công ty mẹ tại nước ngoài cung cấp thuốc) có doanh số phân phối thuốc tại Việt Nam là 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng giá trị thuốc thành phẩm nhập khẩu và khoảng 30% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng một năm (4,2 tỷ USD). Con số này sẽ tiếp tục tăng, đồng nghĩa với doanh số phân phối của các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng giảm.

Nếu tiếp tục để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phân phối trá hình như hiện nay thì ngoài việc các doanh nghiệp dược Việt Nam bị giảm thị phần, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành sản xuất thuốc, mà quan trọng hơn cả là y tế  Việt Nam sẽ ngày càng lệ thuộc vào một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể thao túng giá thuốc, điều phối thị trường, việc này có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh y tế. Khi mà thị trường dược phẩm gần như thuộc về vài nhà phân phối nước ngoài thì mục tiêu bình ổn giá thuốc, quyết tâm kiềm chế giá dược phẩm của Chính phủ sẽ thực thi bằng cách nào?

Các nghị định song phương, đa phương, các cam kết quốc tế đã có nhưng thực trạng phân phối thuốc ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Và những vấn đề này có được giải quyết hay không, khi Luật Dược 2016 được thực thi và Nghị định 54/2017/NĐ-CP được thi hành?

Nếu khi Việt Nam tham gia vào WTO, do cơ sở pháp lý có những điểm chưa rõ ràng. một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng để “phân phối núp bóng”, thì nay Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã làm rõ. Nghị định này nhằm triển khai nội dung cam kết đa phương và song phương, quy định chi tiết các hoạt động liên quan đến phân phối thuốc mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện tại Việt Nam, trong khi vẫn đảm bảo toàn vẹn quyền nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp này. Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận vận chuyển, nhận bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không xác định, áp đặt giá bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối; không quyết định chiến lược phân phối, chính sách kinh doanh của thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở kinh doanh dược khác phân phối …

Nhiều doanh nghiệp Hà Nội đã xây dựng mạng lưới phân phối thuốc chuyên nghiệp

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng các quy định về phân phối thuốc được nêu tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP là rất cần thiết trong việc minh bạch hóa môi trường đầu tư. Đó là “Việt Nam vừa phải đảm bảo an ninh y tế, người dân được hưởng các chính sách bảo hiểm y tế, đồng thời bảo đảm môi trường đầu tư đúng với các cam kết quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hoạt động lành mạnh, phù hợp với các quy định của pháp luật. Mặt khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc tại Việt Nam đều có thể điều chỉnh mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam để phù hợp với quy định và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư”.

Ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư kí Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam ý kiến, “Nghị định 54 hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình hình cung ứng thuốc tại Việt Nam. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp dược trong nước (đặc biệt là các doanh nghiệp dược ở Hà Nội và TPHCM) đã xây dựng được mạng lưới phân phối thuốc chuyên nghiệp, đầu tư về công nghệ hiện đại, quy mô kho bãi hàng chục nghìn mét vuông, mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, và hoàn toàn có thể kiểm soát tốt chất lượng, cung ứng thuốc kịp thời theo đặt hàng. Hơn nữa, các quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP chỉ là triển khai làm rõ các cam kết quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho hệ thống phân phối thuốc hoạt động minh bạch, tạo điều kiện phát triển ngành dược, để có thể chủ động trong việc cung ứng thuốc, góp phần bình ổn giá thuốc tại Việt Nam”.

Minh Khánh

Top