Đảm bảo thịt lợn an toàn mùa dịch thế nào?

26/03/2019 5:19 PM

(Chinhphu.vn) - Cụm từ “thịt lợn sạch” được người tiêu dùng tìm kiếm thời gian qua khá nhiều do thịt lợn vốn là thức ăn phổ biến trong các bữa cơm gia đình, nhưng trong lúc dịch tả lợn châu Phi có những chiều hướng gia tăng phức tạp thì người tiêu dùng khá kỹ lưỡng khi chọn loại thực phẩm này. Cùng với đó, việc làm sao chặn đứng được dịch này cũng là nỗi lo của các nhà quản lý…

Thịt an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, có độ đàn hồi, khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước- Ảnh: An Khuê

Cách phân biệt thịt lợn sạch

Theo PGS.TS Phan Thanh Tâm, giảng viên ngành công nghệ chế biến thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong bối cảnh dịch lợn tả châu Phi diễn biến phức tạp, người tiêu dùng Việt Nam không nên quay lưng với thịt lợn, mà có thể vẫn ăn như bình thường để đảm bảo dinh dưỡng. Theo đó, rất dễ để chọn mua thịt lợn an toàn tại các siêu thị, chợ dân sinh…

Thịt lợn sạch là thịt lợn đảm bảo được hai tiêu chí: An toàn và vệ sinh. Thứ nhất, an toàn là không chứa chất tồn dư kháng sinh, không chứa chất tạo nạc, không chứa chất tăng trọng, không chứa chất bảo quản, không chứa kim loại nặng. Ngoài ra, thịt an toàn không chứa một số hóa chất độc hại khác ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.

Thứ hai, không chứa các vi sinh, ký sinh trùng, vi trùng gây hại. Đảm bảo các khâu chăm sóc, chế biến bảo quản luôn sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn.

Chia sẻ cách nhận biết thịt lợn bị dịch tả lợn châu Phi, PGS.TS Phan Thanh Tâm cho hay: Về mặt cảm quan, thịt lợn bị dịch tả châu Phi thì ngoài việc sốt, xuất huyết, lợn có vết tím, xám ở vùng bụng, chân, thịt không có độ mềm dẻo, săn chắc. Còn thịt lợn khỏe, an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, có độ đàn hồi, khi dùng tay nhấn vào miếng thịt tốt, không bị nhão, không bị rỉ nước... Đó là những đánh giá về mặt cảm quan, còn dấu kiểm dịch của cơ quan thú ý vẫn rất quan trọng.

Ngoài ra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết thịt lợn bị bệnh như: Lợn bị thương hàn (bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai lợn bị tím); lợn bị tả (nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt); lợn bị tụ huyết trùng (thịt có những mảng bầm, tụ máu); lợn bị viêm gan (thịt có màu vàng); lợn đóng dấu (bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu).

Dịch bệnh chỉ có thể xảy ra khi hội tụ cả 3 mắt xích sinh học là: Nguồn bệnh, vật cảm nhiễm và sự truyền lây (sự lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn bệnh sang vật cảm nhiễm). Sơ đồ truyền lây gồm: Nguồn bệnh - Sự truyền lây - Vật cảm nhiễm (ba yếu tố này kết nối với nhau). 

Trong đó, vật cảm nhiễm là động vật sẽ bị nhiễm bệnh khi có tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sẽ làm mất tính cảm nhiễm của động vật với mầm bệnh.

Ở bệnh dịch tả lợn châu Phi do không có vaccine phòng bệnh nên mắt xích vật cảm nhiễm là không thể cắt đứt, do vậy nguyên tắc phòng chống bệnh này là tìm cách cắt đứt 2 mắt xích còn lại là mắt xích nguồn bệnh và sự truyền lây.

Chặn dịch như thế nào?

Theo phân tích, nguyên nhân người chăn nuôi bán tháo động vật mắc bệnh cho thương lái giết mổ lậu và vứt động vật bệnh ra môi trường bên ngoài là do đa số người chăn nuôi không biết chính sách hỗ trợ tiêu hủy. Mặt khác, giá hỗ trợ hiện nay thấp hơn giá lợn hơi (lợn nhiễm bệnh mà chưa có biểu hiện bệnh thì cũng bán được bằng giá lợn hơi).

Do vậy, để người chăn nuôi báo dịch, không bán tháo động vật mắc bệnh cho thương lái vứt động vật bệnh ra môi trường bên ngoài thì phải tổ chức thông báo bằng mọi hình thức, giúp toàn bộ người chăn nuôi nắm rõ chính sách tiêu hủy; tăng mức hỗ trợ bằng cách chuyển giá/kg thành giá các loại lợn như: Giống, nhỡ, nái, nọc, đồng thời hỗ trợ bằng giá thị trường để khuyến khích cao độ người chăn nuôi báo dịch. Giá thị trường được xác định bằng cách lấy giá xuất chuồng của 2 trang trại phía Bắc cộng giá của 2 trang trại phía Nam và lấy giá trung bình của 4 trại.

Việc thống nhất giá hỗ trợ trong cả nước sẽ không dẫn đến tình trạng chuyển lợn bệnh từ chỗ có giá hỗ trợ thấp đến chỗ có giá hỗ trợ cao làm lây lan dịch bệnh.

Mặt khác, tổ chức xuống tận từng hộ chăn nuôi đề nghị ký cam kết không bán chạy lợn bệnh.

Mắt xích truyền lây chỉ xảy ra khi người chăn nuôi không thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Mà thực tế, nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chưa hiểu rõ an toàn sinh học là gì. Do vậy, chính quyền địa phương cần thực hiện tuyên truyền trên loa, đài, tivi, xuống tận từng hộ phát tài liệu về an toàn sinh học, đề nghị người chăn nuôi ký cam kết thực hiện.

Việc này giúp các hộ nâng cao kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời có thể huy động được bà con cùng thực hiện công tác phòng chống dịch với chính quyền địa phương. Khi việc chống dịch được đông đảo người chăn nuôi tham gia, dịch bệnh sẽ mau chóng bị dập tắt vì không còn mắt xích nào tồn tại.

Trong tương lai, sẽ xuất hiện các dịch bệnh mới mà vaccine chưa có, như ở bệnh dịch tả lợn châu Phi. Việc phòng chống các bệnh này không thể bằng vaccine mà phải bằng công cụ quản lý. Thực tế cho thấy, trong công tác phòng chống dịch, cơ quan nhà nước hoàn toàn phụ thuộc vào việc áp dụng an toàn sinh học và việc thông báo dịch bệnh của người chăn nuôi mà 2 việc này cơ quan quản lý có muốn làm thay cũng không được. Để người chăn nuôi luôn thực hiện an toàn sinh học và báo dịch thì Luật Chăn nuôi phải bổ sung điều kiện: Để được chăn nuôi, phải học qua lớp an toàn sinh học và được cấp chứng chỉ. Ban hành chế tài phạt nặng nếu chăn nuôi mà không có chứng chỉ.

Mặt khác, luôn duy trì chính sách hỗ trợ tiêu hủy bằng giá thị trường để khuyến khích cao độ người chăn nuôi báo dịch, qua đó cơ quan quản lý có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh và có thể thực hiện nghĩa vụ “phát hiện nhanh, tiêu diệt gọn” để cắt đứt có hiệu quả mắt xích nguồn lây. Suy cho cùng không có nguồn lây thì không có sự lây lan, bùng phát dịch bệnh.

An Khuê

Top