Dân chủ, công khai là kinh nghiệm trong xây dựng Nông thôn mới

02/11/2015 12:17 PM

(Chinhphu.vn) - Là huyện đầu tiên của TP. Hà Nội được công nhận là huyện Nông thôn mới của Thành phố, ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư huyện Đan Phượng cho biết, kết quả mà huyện Đan Phượng đạt được ngày hôm nay là nhờ việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt là thực hiện vào việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ nhân dân, đồng thời tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã trong quản lý và tổ chức thực hiện.

 

 Khuôn mặt làng xã Đan Phượng ngày hôm nay - Ảnh internet

Ông Nguyễn Tất Thắng cho biết, trước khi xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng là một huyện nông nghiệp, toàn huyện mới đạt bình quân gần 10 tiêu chí, chưa có quy hoạch chung xây dựng huyện, hạ tầng kỹ thuật còn khó khăn, không đồng bộ; số thu ngân sách hàng năm đạt thấp, đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách Thành phố, trong khi đó nhu cầu đầu tư xây dựng nông thôn mới rất lớn.

Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Đan Phượng xác định đây là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn, là thách thức lớn về vai trò lãnh đạo của đảng bộ, song đó cũng là thời cơ để cho huyện bứt phá phát triển nhanh.

Vì vậy phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo và huy động toàn dân tham gia để chương trình thành công.

5 giải pháp xây dựng Nông thôn mới

Đan Phượng xác định, xây dựng nông thôn mới lấy nội lực là căn bản, ngoài kinh phí của Nhà nước cần thực hiện tốt xã hội hoá, động viên, khuyến khích nhân dân tham gia đóng góp các nguồn lực như: bằng công sức, tiền của, đất đai... là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho chương trình thành công.

Từ đó, Đan Phượng thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp: Quy hoạch phải đi trước một bước, đây là căn cứ quan trọng để xác định đầu tư, là cơ sở để huy động nguồn lực, đồng thời làm đâu được đó, tránh lãng phí; Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, đây vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu, là cơ sở để tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân; Xây dựng hạ tầng là động lực, thực chất là tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển, là điều mà nhân dân dễ cảm nhận thấy sự thay đổi và được thụ hưởng ngay thành quả; Cán bộ là khâu quyết định, là người tổ chức đồng thời là người gương mẫu thực hiện; Sự đồng thuận và tích cực tham gia của người dân là nền tảng.

Việc đầu tiên Đan Phượng làm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, thấy rõ trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức. Từ hội họp, phát thanh, cổ động và tuyên truyền trực quan, tạo không khí sôi nổi và sự quan tâm của nhân dân với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kết thúc năm 2011, các xã đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới trình UBND huyện phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện chỉ đạo các xã đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”; “dân làm có sự hỗ trợ của nhà nước”; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Từ đó, huyện lựa chọn những dự án ưu tiên phù hợp với khả năng kinh phí và nhu cầu của người dân.

Các hình thức huy động nguồn lực đa dạng, từ nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp ngày công lao động và kinh phí, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ và những người con xa quê hương đóng góp chung tay xây dựng nông thôn mới.

Huyện đã chủ động xây dựng quy hoạch chung của huyện, các quy hoạch chuyên ngành; chỉ đạo rà soát, lập các quy hoạch như: quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chung của huyện, quy hoạch nông nghiệp, trong đó có quy hoạch về vùng sản xuất tập trung, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Các quy hoạch này đều được công khai quy hoạch theo đúng quy định.

Để có hạ tầng cho nông thôn mới, ngoài hỗ trợ của Thành phố, huyện chủ động khai thác các nguồn thu từ đất (đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất từ các dự án đô thị, thu tiền thuê đất, xử lý đất xen kẹt...) để đầu tư với 2 khâu đột phá là: “Đấu giá quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng” để huy động nguồn lực. Tập trung đầu tư các công trình lớn như đường giao thông, các công trình bảo vệ môi trường, đồng thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc nhằm tạo thế và lực mới cho huyện.

Trên cơ sở quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt, huyện yêu cầu các xã đồng bộ lập các dự án thành phần cải tạo nâng cấp đường làng, ngõ, xóm, đường giao thông nội đồng, phê duyệt để thực hiện. Quá trình lập dự  án có sự giám sát của các phòng chức năng huyện.

Để tạo động lực và huy động sức đóng góp của nhân dân, huyện chủ trương ứng trước 100% vật liệu chính (cát, đá, sỏi, xi măng), nhân dân đóng góp ngày công lao động để xây dựng đường xóm ngõ và đường giao thông nội đồng. Trong hai tháng cuối năm 2012, các xã trong huyện đã cơ bản hoàn thành xây dựng đường làng, ngõ xóm.

Kết quả, tổng số vốn đã huy động là 1.982 tỷ đồng; trong đó ngân sách thành phố 542 tỷ đồng; ngân sách huyện 883 tỷ đồng; ngân sách xã 122 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 205 tỷ đồng; vốn lồng ghép 4 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 97 tỷ đồng; các nguồn vốn khác 129 tỷ đồng.

Sau 4 năm thực hiện chương trình, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng và nâng cấp tương đối đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn được khởi sắc khang trang, sạch đẹp. Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 ước còn 2%.

Nhận thức của đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã nhất là cán bộ xã, thôn được nâng lên rõ, trình độ cán bộ được nâng lên. Tình làng nghĩa xóm được giữ gìn và phát huy; nhân dân đoàn kết, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố, người dân đã nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình và trách nhiệm làm chủ trong xây dựng nông thôn mới.

Dám nghĩ, dám làm

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, ngoài kinh nghiệm về công khai, minh bạch, phát huy dân chủ của nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới, Đan Phượng còn chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân.

Trong 5 năm đã quan tâm đầu tư cho phát triển cộng đồng như đã xây dựng được 45 nhà văn hóa, nhà hội họp, khu vui chơi, giải trí, đài truyền thanh, thư viện, thông tin, nhà luyện tập, nhà thi đấu thể thao. Đồng thời chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân nhất là trong vấn đề giải quyết lao động việc làm sau thu hồi đất, vấn đề về ô nhiễm môi trường ...

Ông Nguyến Tất Thắng nhấn mạnh, cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết, trách nhiệm, vì dân.

Công tác cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định thành công cao trong xây dựng nông thôn mới, do vậy Đan Phượng đã cử những người nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín với cộng đồng cao tham gia. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá về năng lực, phẩm chất cán bộ, nếu đồng chí cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì kiên quyết phải thay ngay.

Thời gian tới, Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới để phấn đấu sớm hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 tập trung vào tuyên truyền, động viên, khích lệ toàn dân tiếp tục chung sức xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động nhân dân duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, thực hiện vệ sinh khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy truyền thống văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội, ứng xử văn hoá; đoàn kết trong cộng đồng thôn, xóm, cụm dân cư.

Gia Huy

Top