Đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với yêu cầu của tuyển dụng

08/07/2020 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Qua 10 năm thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, địa bàn Hà Nội có hơn 100 nghìn lao động đã được đào tạo nghề nông nghiệp, lao động đang làm việc tại các HTX, trang trại có nhu cầu đã được đào tạo theo đúng quy định.

Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là làm thế nào để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới thật sự gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, yêu cầu của thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới của địa phương và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009  của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trong những năm qua đã tập trung chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản để các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2011 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đồng thời, hằng năm UBND thành phố Hà Nội đều ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến tháng 12/2019, toàn Thành phố có khoảng 17.813 lao động làm việc tại 1.053 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 11.108 lao động làm việc tại 2.912 trang trại. Trung bình, 01 trang trại sử dụng 3,8 lao động, 01 HTX có 16,9 lao động, lao động của các trang trại, HTX đều hoạt động  trong lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và được phân bố ở 21 quận, huyện, thị xã. Qua 10 năm thực hiện 102.537 lao động đã được đào tạo nghề nông nghiệp, lao động đang làm việc tại các HTX, trang trại có nhu cầu đã được đào tạo theo đúng quy định.

Trên cơ sở Kế hoạch đào tạo nghề hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều hướng dẫn và yêu cầu các địa phương huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Đồng thời căn cứ nhu cầu của người lao động, định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Bên cạnh đó, nội dung đào tạo phải thực hiện đúng chương trình đã được UBND Thành phố phê duyệt tại quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 22/6/2017. Thời gian đào tạo phải phù hợp với quy trình sản xuất, quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, từng địa phương. Thực hiện đặt hàng với các đơn vị, cơ sở giáo dục có đủ năng lực, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đào tạo nghề theo quy định, nhất là các đơn vị giáo dục tuyển dụng hoặc giới thiệu được nhiều việc làm cho học viên khi có chứng chỉ nghề.

Đồng thời tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các chương trình, nhất là chương trình phổ biến, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng; lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường, kiến thức kinh doanh nông sản phù hợp với đối tượng người học để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực tế triển khai đề án cũng có một số khó khăn, mặc dù được định hướng nhưng số lao động ở một HTX hay trang trại không lớn nên các HTX, trang trại vừa sản xuất kinh doanh, vừa bố trí lao động đi đào tạo nghề, vì vậy chưa đề nghị đào tạo riêng cho đơn vị, trong khi đào tạo nghề thực hiện theo phương thức đặt hàng cho các đơn vị có chức năng đào tạo, kinh phí đào tạo được hỗ trợ/học viên, vì vậy các đơn vị đào tạo chỉ thực hiện khi có từ 25-35 học viên/lớp.

Thị trường lao động nông nghiệp chưa hình thành, các địa phương chỉ định hướng, khuyến khích các xã tuyên truyền đào tạo nghề theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng NTM của địa phương.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tham mưu cho UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung quy hoạch nông nghiệp để định hướng phát triển nông nghiệp cho các huyện thị xã.

Trên cơ sở quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng NTM của địa phương, năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát nhu cầu đào tạo, đào tạo nâng cao nghề nông nghiệp trên địa bàn, tổ chức đào tạo nâng cao cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Minh Anh

Top