Đạt hiệu quả cao từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú

06/11/2019 3:17 PM

(Chinhphu.vn) - Đi lên từ xuất phát điểm thấp đến nay HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đã gặt hái được nhiều thành công nhờ phát triển sản xuất lúa hữu cơ. Mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu thăm quan mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX nông nghiệp Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thiện Tâm

Theo bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cần thiết, nhất là việc nỗ lực tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình đó, không thể không nhắc đến cơ giới hóa nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ  Đồng Phú, xuất phát điểm từ một nhóm nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Năm 2012 được sự quan tâm và tạo mọi điều kiện của trường đại học Tokyo Nhật Bản và Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp chỉ đạo, nhóm nông dân thôn Thượng Phúc đã thực hiện thí điểm thành công dự án Pamci, canh tác theo nguyên tắc hữu cơ Pamci và phương pháp SRI.

Tháng 12 năm 2014, dự án Pamci kết thúc, đã trao quyền tự chủ kinh doanh cho nông dân, cải thiện sản xuất lúa gạo và môi trường trong sạch hơn. Thực hiện đường lối chủ trương của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Chương Mỹ, các đồng chí lãnh đạo Phòng Kinh tế, phòng Tài chính - Kế hoạch đã giúp đỡ tận tình  cùng  với sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Phú.

Nhóm sáng lập viên sau một thời gian tích cực chuẩn bị và hoàn thành các văn kiện Đại hội, được lãnh đạo cấp trên phê duyệt và tiến hành tổ chức Đại hội thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú ngày 26/9/2017. Ngày thành lập có 89 thành viên, đến nay HTX đã có 103 thành viên.   

Năm 2014 dự án kết thúc đã thực hiện được gần 5 ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ. Năm 2017 diện tích tăng lên 25 ha/ vụ, năm 2018 - 2019 diện tích 25 ha/vụ.

Bên cạnh đó, dù HTX mới thành lập xong đã có một nền tảng chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường, đã được thị trường chấp nhận. Năm 2017 Năng suất lúa tính bình quân đạt 170 kg/sào (4,6 tấn/ha) cùng với diện tích được năng lên đã đủ cung cấp đủ cả năm cho khách hàng. Năm 2018 và vụ Xuân 2019 mở rộng diện tích được 50 ha, đạt 180 kg/sào (4,9 tấn/ha).

Ngoài ra HTX tổ chức cho nhân dân trồng luân canh cây lúa với cây Đậu Tương cho thu nhập từ 8-10 tấn đậu ở vụ Đông đem lại giá trị thu nhập từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng.Tổng thu nhập sản xuất với phương pháp thông thường đạt 89 triệu đồng/ha/năm. Nhưng tổng thu nhập sản xuất theo phương pháp hữu cơ cao hơn 1,8 lần, với giá trị đạt 185 triệu đồng/ha/năm.

Bà Trịnh Thị Nguyệt chia sẻ, để đạt được hiệu quả cao, HTX đã chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện rất nghiêm ngặt qui trình sản xuất lúa hữu cơ của dự án Pamci. Các nguồn đất, nước phải được kiểm tra dư lượng các chất kim loại nặng, nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ, các chất hóa học sử dụng trong nông nghiệp từ: đạm, lân kai và các chất bảo quản,... Không dùng bất cứ một loại hóa chất nào ngoài phân chuồng ủ hoai mục.

Đặc biệt hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng thì mương máng phải được thau rửa, các cửa cống vào khu ruộng phải được đặt than hoạt tính. Đến khi thu hoạch lúa phải được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ qua hệ thống sổ sách tin cậy (có thanh kiểm tra giám sát).

Một điểm nữa là sản xuất hữu cơ khác với việc sản xuất thông thường là nông dân hoạt động theo nhóm, sản xuất theo cả khu ruộng, các hộ nông dân tự giám sát nhau trong quá trình thực hiện qui trình sản xuất.

Với những kết quả đạt được, theo Giám đốc HTX Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt, hiện nay sự kết nối giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản của thành phố Hà Nội là rất cần thiết đối với các HTX nói chung cũng như HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú nói riêng.

Hiện HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, liên kết mô hình 4 nhà (Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh và xây dựng thương hiệu xuất khẩu gạo).

Từ vụ Xuân 2019 HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam tiêu thụ 100% sản phẩm. Trong quá trình sản xuất và chế biến đã phối hợp với Công ty để làm tăng giá trị của sản phẩm. Với việc truy nguyên nguồn gốc sản xuất minh bạch, từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến việc chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng thị yếu của người tiêu dùng.

Ngoài việc sản xuất cây lúa với thành phẩm mang lại hạt gạo dùng cho bữa cơm ngon hàng ngày, HTX còn đẩy mạnh việc đa dạng hóa sản phẩm như chế biến bún tươi, các loại bánh, các loại rau màu, khoai lang, khoai tây, đậu các loại, sữa… Đối với từng loại sản phẩm HTX đã quy hoạch trên các diện tích cụ thể, chi tiết và  phối hợp với Công ty chuẩn bị các điều kiện tổ chức sản xuất.

Thiện Tâm

Top