Đầu tư để bảo tồn di sản văn hóa theo hướng trọng điểm

05/08/2016 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị TP. Hà Nội tăng cường đầu tư kinh phí; khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô trong công tác phát triển văn hóa tổ chức ngày 5/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nội được quan tâm, đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hiện nay Hà Nội đã thực hiện tổng kiểm kê nhằm làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản để từ đó các loại hình nghệ thuật truyền thống được quan tâm bảo tồn.

Hiện nay, ngoài việc tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội Gióng, hát ca trù, thành phố đã triển khai nhiều chương trình để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể như: “Giới thiệu cây đàn bầu Việt Nam và các loại nhạc cụ dân tộc với các làn điệu dân ca truyền thống Việt Nam”, “Giới thiệu và trình diễn nghệ thuật truyền thống vào sân khấu học đường”, “Tiếng đàn và giọng ca cải lương hội tụ giữa lòng Hà Nội”…

Ngoài việc tích cực tuyên truyền giá trị hội Gióng, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương đang triển khai đề án “Phát huy không gian lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn”, “Bảo tồn hát múa Ải Lao ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên”. Với nghệ thuật hát ca trù, ngành văn hóa Hà Nội phối hợp với các câu lạc bộ ca trù tổ chức tư liệu hóa di sản ca trù, hỗ trợ hoạt động các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội.

Riêng di sản văn hóa vật thể, thành phố có khoảng 400 di tích được xếp hạng. Việc tổng kiểm kê di tích trên địa bàn toàn thành phố giúp các nhà quản lý có những thông tin cơ bản về đặc điểm, giá trị, hiện trạng của di tích, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chỉ tính riêng năm 2013 – 2014, Hà Nội có 8 di tích, danh thắng được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Hiện nay, công tác tu bổ, tôn tạo di tích được đầu tư cả về số lượng và kinh phí bằng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Trong hai năm 2014 – 2015, công tác bảo tồn di tích đã huy động xã hội hóa được gần 400 tỷ đồng tại một số di tích tiêu biểu như: Đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhằm phục vụ du lịch.

Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa vật thể được đưa vào danh mục phải tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đó là phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm, các làng nghề truyền thống, các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954.

Trong đó di tích phố cổ Hà Nội được các cơ quan quản lý tuyên truyền sâu rộng đến tận hộ dân về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức các lễ hội, nghề truyền thống. Không gian đi bộ phố cổ được mở rộng sang khu bảo tồn cấp 1, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Tuy nhiên, một số khó khăn cũng được Sở Văn hóa và Thể thao cho biết trong quá trình bảo tồn các di sản văn hóa, trong đó có việc nhận thức về trách nhiệm và bảo vệ di sản văn hóa của các cấp, chính quyền và các ngành, của người quản lý, trụ trì... chưa đồng đều và sâu sắc nên còn thiếu các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai; chưa chủ động xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc cắt giảm ngân sách đầu tư công nên một số địa phương gặp khó khăn trong trong công tác tu bổ di tích, bảo tồn phát huy giá trị di sản.

Bên cạnh đó, qua 3 năm thực hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xác định danh mục kêu gọi đầu tư đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao để thực hiện. Tuy nhiên, do đặc thù và tính chất di tích nên đề xuất của hai đơn vị chưa được thành phố chấp thuận. Do vậy, chưa có cơ sở để đánh giá tác động của chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hoá, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hoá ưên địa bàn Thủ đô.

Chính vì vậy, Sở Văn hóa và Thể thao đã kiến nghị thành phố sớm phê duyệt bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng nhằm điều chỉnh hành vi và ứng xử phù hợp, góp phần xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, tổ chức khảo sát, nghiên cứu, xây dựng, có chính sách phù hợp đánh giá tình hình thực tế của các di sản quy định trong danh mục để tập trung nguồn lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn Hà Nội.

Gia Hân

Top