Đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong sản xuất thực phẩm ‘sạch’ cho Thủ đô

03/06/2016 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Trong sản xuất thực phẩm cần phải đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà gồm nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn để có thể góp phần tạo được nguồn thực phẩm sạch cho nhân dân.

Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Về mặt pháp lý đã ban hành nhiều quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn đang còn là vấn đề nổi cộm, lý do các văn bản pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ, lực lượng tham gia quản lý an toàn thực phẩm còn mỏng, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, công tác phổ biến pháp luật và hướng dẫn an toàn thực phẩm cho các lãnh đạo và người trực tiếp sản xuất chưa được quan tâm đầy đủ, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm còn ít.

Để có được thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, PGS.TS. Lê Đức Mạnh, Viện trưởng Viện công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) đề nghị về mặt văn bản pháp luật nhà nước cần rà soát lại tất cả các văn bản hiện hành, chỉnh sửa, ban hành đồng bộ và có tính khả thi cao để giúp cho công tác quản lý an toàn thực phẩm được thuận lợi, các doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện. Các chế tài xử lý vi phạm cần phải cụ thể và theo hướng xử lý đủ sức răn đe.

Về mặt tổ chức phải xác định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan quản lý nhà nước, tránh hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau dẫn tới công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu cụ thể, thiếu sâu sát. Cần thiết phải nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý cả về con người và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm...

Riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tọa đàm, hội nghị, hội thảo mà ở đó có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, các nhà khoa học lĩnh vực chế biến thực phẩm và các doanh nghiệp, những người trực tiếp sản xuất thực phẩm trong đó rất cần có mặt nhà nông vì người nông dân là người trực tiếp làm ra nguyên liệu cho chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, cần phải làm cho người sản xuất hiểu được tầm quan trọng của sản xuất thực phẩm an toàn, làm thế nào để sản xuất được thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng và phát triển kinh tế đất nước, ảnh hưởng đến xuất khẩu như thế nào. Sản xuất thực phẩm an toàn sẽ có lợi gì?....Bên cạnh đó cũng cần làm cho người tiêu dùng hiểu và nhận biết được thế nào là thực phẩm an toàn để họ có sự lựa chọn hợp lý.

Cần sự hợp tác giữa 4 nhà

PGS.TS. Lê Đức Mạnh cho biết, Nhà nước ta đã xác định, cần phải đẩy mạnh liên kết 3 nhà trong việc phát triển kinh tế nói chung, đó là nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học. Còn trong sản xuất thực phẩm cần phải đẩy mạnh liên kết 4 nhà nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn để có thể góp phần tạo được nguồn thực phẩm sạch cho nhân dân.

Tuy nhiên để liên kết này thực sự hiệu quả và được đẩy mạnh, PGS.TS. Lê Đức Mạnh cho rằng nhà quản lý phải là “nhạc trưởng”, phải là cầu nối giúp cho các nhà khoa học và nhà nông, nhà doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, đặt hàng, ký kết hợp đồng với nhau.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, vấn đề cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng cao cho nhân dân luôn được chú trọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần phải có sự vào cuộc của tất cả mọi người. Vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cấp quản lý cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Đối với các cấp quản lý cần đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, giảm thủ tục hành chính giúp đỡ về cơ chế vay vốn cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh kiểm tra và là cầu nối giữa 4 nhà. Song song với đó, các nhà khoa học cần hợp tác với doanh nghiệp, người sản xuất để đưa ra các quy trình sản xuất chuẩn, có chất lượng cao.

Đồng thời, đưa ra các luận cứ để chứng minh cho quy trình sản xuất là an toàn; đưa công nghệ vào để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giúp người tiêu dùng yên tâm...

Bích Phương

 

Top