Đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt tại Thủ đô

21/08/2020 9:15 AM

(Chinhphu.vn) - Với đặc tính là đô thị đông dân cư và cư dân có dân trí tương đối cao nên nhu cầu và cách lựa chọn sản phẩm của người dân Thủ đô cũng khá khắt khe. Để thúc đẩy tiêu thụ nội địa các sản phẩm “Madein Viet Nam”, nhiều chương trình xúc tiến thương mại nội địa trên địa bàn Hà Nội đã được tiến hành và có hiệu quả.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được người dân Thủ đô đón nhận nhiệt tình - Ảnh: An Khuê

Nhiều tín hiệu tích cực

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án) đã thực hiện được 6 năm, mang lại không ít kết quả tích cực.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) so sánh, trước khi Đề án này ra đời, hệ thống phân phối hàng Việt vẫn chưa phủ khắp cả nước, hoạt động thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa nhiều cũng như hoạt động đưa hàng Việt về các khu vực trên vẫn thiếu tính ổn định. Đáng chú ý, khả năng cạnh tranh của một số hàng Việt vẫn còn thấp; liên kết của các DN trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ chưa ổn định…

Tuy nhiên, đến nay “bức tranh” hàng Việt tại thị trường nội địa đã có sự “lột xác” đáng kể. Trong hệ thống siêu thị của một số DN trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Cụ thể, Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%), BRG Retail (90%), hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh (95%),... Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%. Cụ thể, Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), Aeon (80% theo mã hàng), Mega Market (95% theo mã hàng)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Thời gian qua, ngày càng có nhiều người Việt Nam tin dùng hàng Việt. Nhóm sản phẩm, hàng hóa có chất lượng tốt với các thương hiệu nổi bật như: Vinamilk, dệt may Vinatex, Việt Tiến, VinaCafe, giày dép Biti’s… ngày càng “được lòng” các “thượng đế” Việt và có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, có 67% người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% người được hỏi luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam; 36% người tiêu dùng chuyển từ mua hàng nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Còn nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch Covid-19 có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.

Một minh chứng rõ hơn là hàng hóa trong nước đang hiện diện và tiêu thụ ngày càng nhiều tại các hệ thống phân phối. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hàng Việt Nam chiếm tỷ trọng 90% tại các siêu thị Co.opmart, Vinmart, Intimex, Hapromart; 80% tại siêu thị AEON; 96% tại siêu thị Big C… Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Khi hàng Việt lấp đầy các kênh phân phối mà mức bán lẻ tăng cao đồng nghĩa với hàng Việt được tiêu thụ mạnh. Thống kê cho thấy 7 tháng năm 2020, tổng mức doanh thu bán lẻ hàng hóa "Made in Vietnam" tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Rõ ràng, người Việt Nam đã sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Trong đó, nhiều người sử dụng hàng Việt với sự tự hào, tự tôn, đồng thời đây cũng là cách thiết thực góp phần ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Dẫu còn nhiều việc phải làm nhưng nỗ lực của các doanh nghiệp Việt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước bước đầu đã cho những “trái ngọt”. Đó cũng là kết quả của quá trình cơ quan chức năng cùng các nhà phân phối bền bỉ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Việt.

Nhìn nhận hiệu quả tích cực từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trước đây người Việt “ưu tiên” dùng hàng Việt thì hiện nay ngày càng nhiều người Việt “tự hào” và tin dùng hàng Việt. Do đó, cuộc vận động này cần được thay đổi để phù hợp với tình hình mới và đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Cần sự chủ động từ doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, các doanh nghiệp Việt cần tận dụng cơ hội rất đáng giá này để chiếm lĩnh thị trường. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, đa dạng sản phẩm, cải thiện mẫu mã gắn với xây dựng thương hiệu, đồng thời chuyển đổi số hóa để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp cần coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân và sức cầu đang tăng cao. Cùng với đó là thay đổi và chủ động trong cách tiếp cận người tiêu dùng theo hướng “Hàng Việt Nam ưu tiên chinh phục người Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện để triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn. Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 trung tâm mua sắm, bán buôn và 01 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thành phố năm 2020. Đến nay, thành phố có 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, khoảng 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động; 2 trung tâm logistics, 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường hàng hóa ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quản lý, phát triển mô hình kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện nay, có trên 1.800 siêu thị, cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp thành phố. Cùng với đó, Sở Công Thương xây dựng và tổ chức triển khai 3 phương án về đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, đảm bảo dự trữ tối thiểu trong quý II/2020, tổng trị giá hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng với 17 mặt hàng thiết yếu (lượng hàng hóa tăng từ 3-5 lần so với tháng thường); hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân. Về phía UBND các quận, huyện, thị xã đã giới thiệu địa điểm tổ chức bán nông sản thực phẩm để hỗ trợ các địa phương có khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa năm 2020.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã triển khai các Kế hoạch về “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”; “Kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020”; phối hợp với Sở NN&PTNT đề xuất xây dựng một số điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Ngoài ra, Sở Công Thương triển khai nhiều giải pháp kết nối tiêu thụ, liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong nước; tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị đã tổ chức trao trên 200 biên bản ghi nhớ ký kết giữa 50 doanh nghiệp, nhà phân phối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã…

Nhiều chính sách mang tính “dọn đường” đã được thiết lập trên địa bàn thành phố, thậm chí ở quy mô cấp quốc gia. Việc tận duạng và phát huy hiệu quả chính sách phụ thuộc rất lớn vào tính chủ động của doanh nghiệp. Tính chủ động không chỉ ở việc phát triển sản phẩm mà chính là sự tìm tòi thị trường và chính sách ứng dụng phù hợp. Có thể đi song hành việc phát triển thị trường và sản phẩm bằng cả chất lượng sản phẩm và vận dụng chính sách sẽ giúp doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường, giúp hàng Việt có được vị trí trong “giỏ hàng” của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

An Khuê

Top