Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm bảo đảm ATTP trên các tuyến phố ẩm thực

10/05/2019 2:54 PM

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát trên địa bàn thành phố mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc tiếp tục mở rộng thêm các tuyến phố ATTP là điều cần thiết và nên sớm thực hiện.

Còn gặp nhiều khó khăn

Bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy cho biết, năm 2019, tuyến phố Trần Vỹ của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được thành phố chọn để thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát. Tuyến phố này dài 800m, phục vụ khách hàng chủ yếu vào buổi trưa và buổi tối (khoảng 2.000 luợt người/ngày), có tổng số 37 cơ sở, trong đó có 14 cơ sở dịch vụ ăn uống, 4 nhà hàng, 19 quán cà phê.

Hiện nay, việc thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các hộ kinh doanh, nhân lực thường xuyên thay đổi nên khó kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho đối tượng này. Bên cạnh đó, chất lượng thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thường chưa bảo đảm và chủ yếu lấy nguyên liệu ở những điểm nhỏ lẻ.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng phường Mai Dịch đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục thông qua việc xây dựng kế hoạch cụ thể tới các tổ dân phố và các hộ kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ thực hiện tốt công tác ATTP.

Theo bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận có nhiều tuyến phố ẩm thực nổi tiếng như: Tống Duy Tân, Cấm Chỉ, Tạ Hiền… Năm 2018, quận đã thu hút 2,1 triệu khách du lịch. Do vậy công tác bảo đảm ATTP trên các tuyến phố được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm.

Nhiều năm nay, quận đã triển khai mô hình tuyến phố văn minh đô thị bảo đảm ATTP trên nhiều tuyến phố, đặc biệt là các tuyến trong không gian đi bộ. Riêng với tuyến phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ đã được UBND quận Hoàn Kiếm đầu tư xây dựng thành tuyến phố ẩm thực từ năm 2002 với nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng. Tuy nhiên, sau 17 năm đầu tư, hiện tuyến phố này đã xuống cấp nên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, như một số hè đường bong tróc, các cơ sở kinh doanh chật hẹp, sửa chữa khó khăn. Nhiều cửa hàng không có địa điểm đỗ xe nên thực khách phải để xe dưới lòng đường gây lộn xộn, gây mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng phục vụ khách từ tối đến sáng hôm sau. Các cửa hàng cũng thường xuyên thay đổi mặt hàng kinh doanh hoặc đổi chủ nên gây khó trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Trên địa bàn quận vẫn còn nhiều hộ kinh doanh bán hàng, nấu ăn tràn lan trên vỉa hè, lòng đường…

Trong năm 2019, quận tiếp tục tiến hành nhiều biện pháp nhằm duy trì các điều kiện bảo đảm vệ sinh ATTP trên các tuyến phố và đặt mục tiêu thu hút thêm khách du lịch tới thưởng thức ẩm thực ở đây.

Bên cạnh các quận nội thành, hiện nay tuyến phố ATTP có kiểm soát cũng được triển khai về tuyến huyện, trong đó Đan Phượng là địa phương được chọn để xây dựng thí điểm. Ông Nguyễn Hữu Luận, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng cho biết, huyện Đan Phượng không có nhiều lựa chọn khi thị trấn Phùng chỉ có 4 phố, các cơ sở ăn uống không nhiều, chủ yếu nhỏ lẻ. Sau khi xem xét, Ban Chỉ đạo ATTP huyện đã chọn tuyến phố Tây Sơn để thực hiện bởi bảo đảm tiêu chí có 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Việc triển khai tại huyện cũng gặp vướng mắc giống các quận, huyện khác, như nhiều cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, địa điểm kinh doanh đi thuê.

Vì vậy, để nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát, khó khăn của Đan Phượng hiện nay là chỉ có duy nhất tuyến phố Tây Sơn đáp ứng tiêu chí của thành phố là có 20 cơ sở kinh doanh ăn uống. Tại những tuyến phố khác, huyện đang tổ chức tập huấn, treo biển tuyên truyền, vận động nhân dân kiểm soát ATTP. Theo ông Luận, cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt mới có tác dụng duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh này.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Có thể thấy, dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng việc nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát là một điều hết sức cần thiết để đảm bảo ATTP cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết, việc mở rộng xây dựng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát nằm trong kế hoạch được báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai từ 30 tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn cấp quận, theo Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tham mưu xây dựng mô hình tập trung vào cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố, đặc biệt ở khu vục nội thành để có sự triển khai đồng bộ, nâng cao công tác bảo đảm ATTP cũng như thông tin truyền truyền.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Năm 2018, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện.

Tháng 1 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã kết hợp với Sở Y tế 21 tỉnh, thành phố cùng chuyên gia của Bộ Y tế tổ chức đánh giá 8 tuyến phố này. Qua rà soát, đánh giá cho thấy để triển khai được các tuyến phố cần sự vào cuộc của các lực lượng gồm doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có điều kiện và đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền. Hi vọng trong thời gian tới Hà Nội sẽ có nhiều tuyến phố bảo đảm ATTP trên địa bàn.

Thiện Tâm

Top