Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính quyền điện tử

18/01/2016 5:50 PM

(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hành chính, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ ngành Thông tin và Truyền thông Hà Nội đặt ra năm 2016 nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô .

Ảnh minh họa

Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của ứng dụng và phát triển CNTT, trong những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn và trong đời sống kinh tế xã hội.

Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội cho biết, đến nay, việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: Ứng dụng CNTT đã từng bước tạo dựng nền tảng để xây dựng “Chính quyền điện tử” của Thành phố, đã làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý của các đơn vị, xử lý công việc của cán bộ, công chức, công khai, minh bạch, thuận lợi cho tổ chức cá nhân và góp phần giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ công dân, tổ chức tốt hơn.

Thành phố đã hoàn thành triển khai Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước Thành phố giai đoạn 2012 – 2015. Theo đó, tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng dụng CNTT đã được hoàn thành, nhận thức về ứng dụng CNTT có sự chuyển biến rõ rệt, tác động tích cực góp phần vào cải cách hành chính Thủ đô.

Chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu cơ bản đã được hoàn thành (tổng số 56 chỉ tiêu), có chỉ tiêu vượt mức đề ra (chỉ tiêu về hạ tầng mạng LAN, triển khai ứng dụng quản lý văn bản, một cửa điện tử triển khai cho cấp xã...).

Các thành phần cơ bản của Chính quyền điện tử Thủ đô như Mạng tin học diện rộng Thành phố (WAN), Trung tâm dữ liệu Nhà nước Thành phố, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố) đã được hoàn thiện; các ứng dụng dùng chung như thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử liên thông được triển khai thống nhất đến các UBND phường, xã, thị trấn; trên 20 hệ thống thông tin và CSDL chuyên ngành đã được triển khai, trong đó có những cơ sở dữ liệu quan trọng như cơ sở dữ liệu dân cư đã được hoàn thành.

Hiện nay, các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp rất được chú trọng với 100% các đơn vị có Website/cổng thông tin điện tử, cung cấp 100 % dịch vụ công mức 2 và trên 200 dịch vụ công mức độ 3 và 4, trong đó có những dịch vụ công đạt tỷ lệ giao dịch trực tuyến trên 70% góp phần công khai, minh bạch và giải quyết các thủ tục hành chính tốt hơn, tăng sự hài lòng của người dân đối với việc cung cấp các dịch vụ của chính quyền các cấp.

Một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống như y tế, giao thông, giáo dục, tư pháp được đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bắt đầu hình thành một số hệ thống thông minh như: “Xây dựng hệ thống giám sát an ninh hệ thống CNTT TP. Hà Nội giai đoạn 1”, dự án “Hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi, xây dựng hệ thống kỹ thuật và cải tạo hạ tầng kỹ thuật Khu CNTT tập trung Cầu Giấy”...

Công nghiệp CNTT phát triển thành ngành kinh tế tri thức, đóng góp ngày càng lớn vào quá trình phát triển Thủ đô đồng thời, làm nền tảng hỗ trợ cho công tác triển khai ứng dụng CNTT cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thành phố xây dựng, hình thành được các khu CNTT tập trung như: Được công nhận 01 khu công nghiệp CNTT tập trung, đang triển khai 2 khu công nghiệp phần mềm (tại Long Biên) và dự kiến triển khai Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm trên đường Võ Nguyên Giáp (khoảng 80 ha); thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, kết quả xếp hạng ứng dụng CNTT của Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc, cụ thể: chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của Thành phố đã tăng từ vị trí thứ 10 (năm 2012) lên vị trí thứ 3 (năm 2014, 2015) trong 63 tỉnh thành của cả nước.

Đẩy mạnh ưng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành

Giao nhiệm vụ cho ngành TTTT trong năm 2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặc biệt lưu ý tới nhiệm vụ cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa hành chính, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố. Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ngành TTTT cần chú trọng phát triển theo hướng tập trung, thống nhất về cơ sở hạ tầng, về các ứng dụng dùng chung, các dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình,  tăng cường đảm bảo an toàn thông tin…

Thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, năm 2016 và giai đoạn tiếp theo, Sở TTTT Hà Nội đặt nhiệm vụ xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, tích hợp và liên thông với hạ tầng thông tin Quốc gia trên cơ sở: Quy hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin Thành phố; Phát triển Trung tâm dữ liệu nhà nước, xây dựng Hệ thống giám sát mạng - đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; mở rộng hạ tầng mạng diện rộng (WAN) kết nối đến các cơ quan đảng, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn...

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách sâu rộng hiệu quả để xây dựng “Chính quyền điện tử” trong đó chú trọng: Triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cáo năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong nhiều lĩnh vực tích hợp trên Cổng dịch vụ công của thành phố và các hệ thống 1 cửa điện tử liên thông hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, trước hết tập trung vào các hệ thống các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử của Thành phố (dân cư, đất đai, doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính, bảo hiểm).

Triển khai mạnh mẽ các ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng phục vụ người dân và hình thành một số hệ thống thông minh (y tế, giáo dục, giao thông, an sinh xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn...). Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng thị trường ứng dụng CNTT để doanh nghiệp CNTT trên địa bàn phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNTT chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu các cơ quan nhà nước góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và hướng tới xây dựng TP. Hà Nội thông minh hơn.

Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp CNTT với trọng tâm là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ; đảm bảo công nghiệp CNTT vừa là ngành kinh tế chủ lực vừa là nền tảng cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, hướng tới hình thành và phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin. Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu các cơ quan nhà nước theo chiến lược “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Gia Huy

Top