Để các cuộc thi giáo viên dạy giỏi không còn là ‘bệnh thành tích’

06/09/2019 9:48 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang dự thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông. Trong đó, dự thảo sẽ bỏ “Liên hoan Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc”, chỉ còn công nhận “Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh”.

Bà Cù Thị Thủy - Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ GD&ĐT) - Ảnh: Diệp Anh

Thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về những cuộc thi giáo viên giỏi. Dư luận đều mong muốn có những thay đổi căn bản về cách thức tổ chức thi giáo viên dạy giỏi và đánh giá giáo viên một cách thực chất, hiệu quả, không để các cuộc thi giáo viên dạy giỏi bị biến tướng bởi “bệnh thành tích”.

Bà Cù Thị Thủy - Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng Phát triển đội ngũ Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT), thành viên Ban soạn thảo đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này.

Bỏ một số quy định không phù hợp

Dự thảo Thông tư quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông đang xây dựng có chủ trương giữ hình thức hội thi giáo viên dạy giỏi không, thưa bà?

Bà Cù Thị Thủy: Cũng như các ngành nghề khác, đối với nghề nghiệp giáo viên rất cần có hoạt động chuyên môn. Qua các hoạt động chuyên môn như hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đã chọn được những giáo viên có năng lực, để từ đó tạo nên một đội ngũ giáo viên cốt cán trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục. Đồng thời, có tổ chức hội thi tạo nên khí thế thi đua, góp phần tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, qua triển khai hội thi giáo viên dạy giỏi, nhiều nơi bộc lộ một số những hạn chế, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Đơn cử như việc các cơ sở giáo dục phổ thông cử (ép) giáo viên tham dự thi vì thành tích tập thể; bài kiểm tra năng lực gây áp lực cho giáo viên; nhiều sáng kiến kinh nghiệm chỉ là hình thức, sao chép hoặc kém chất lượng; nội dung thi giáo viên chủ nhiệm giỏi có hình thức thi kể chuyện không phù hợp với nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm. Có tình trạng tập dượt nhiều trên lớp, chỉ chọn học sinh khá tốt để thi thực hành giảng dạy, chuẩn bị trước kịch bản bài giảng cho học sinh luyện tập... làm ảnh hưởng đến mục đích chính của cuộc thi. Việc tổ chức thực hiện ở một vài địa phương còn có biểu hiện của “bệnh thành tích”, chưa thực sự đúng mục đích của Hội thi như không giữ nguyên trạng số lượng học sinh tại lớp thực hành thao giảng...

Để tránh hình thức “diễn” trong việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì cần có những chế tài hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Với tinh thần này, Ban soạn thảo đang rà soát kỹ việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi nhằm giảm tải công việc cho giáo viên nhưng vẫn giữ được việc giáo viên tham gia hoạt động nghề nghiệp giảng dạy, giáo dục để nâng cao tay nghề. Việc rà soát để đảm bảo công nhận được giáo viên giỏi thực chất, tạo được động lực chứ không phải là áp lực cho giáo viên.

Chủ trương là vẫn duy trì việc công nhận giáo viên giỏi nhưng cách thức gọn nhẹ và hiệu quả hơn. Hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cũng có thể còn nhưng là tạo "sân chơi” lành mạnh để những giáo viên giỏi thật (đã được tôn vinh) tâm huyết chia sẻ/truyền kinh nghiệm cho đồng nghiệp tham khảo, học tập. Theo đó, tạo phong trào thi đua dạy tốt.

Tạo cú hích trong hoạt động nghề nghiệp

Dự thảo được xây dựng như thế nào để tránh hình thức “diễn” như bà vừa đề cập ở trên trong việc công nhận giáo viên dạy giỏi, thưa bà?

Bà Cù Thị Thủy: Đối với ngành nghề có chuyên môn đặc thù như giáo viên thì cần có giải pháp để đánh giá đội ngũ giáo viên và công nhận danh hiệu cho họ. Bên cạnh việc đánh giá giáo viên theo các chuẩn mực (Chuẩn nghề nghiệp giáo viên) quy định (phẩm chất, năng lực ở từng lĩnh vực của chuẩn nghề nghiệp giáo viên), thì đánh giá kỹ năng sư phạm của giáo viên khi lên lớp, mức độ truyền thụ, dẫn dắt học sinh chiếm lĩnh tri thức qua từng tiết dạy là hết sức cần thiết. Điều này chỉ có thể đánh giá qua tiết dạy trên lớp của giáo viên mới xác định được (đây là hoạt động đặc thù mà chỉ có ở trường học).

Vì vậy, thi giáo viên dạy giỏi là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài việc đánh giá tiết dạy và một số quy định mới về công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ lược bỏ một số quy định không còn phù hợp.

Đồng thời cần tạo một "cú hích" có ích, để giáo viên phấn đấu, rèn luyện và trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài việc, dự giờ lên lớp và báo cáo biện pháp giảng dạy/giáo dục đã thực hiện có hiệu quả tại cơ sở giáo dục công tác, cần có bộ công cụ đánh giá khách quan, thực chất năng lực của giáo viên cả về phẩm chất, đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ trong một quá trình, đó là Chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Dự kiến 5 thay đổi quan trọng

Vậy việc công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ dự kiến có những thay đổi như thế nào, thưa bà?

Bà Cù Thị Thủy: Ban soạn thảo đề xuất xây dựng Thông tư mới quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông với những điểm đáng chú ý:

Thứ nhất là bãi bỏ hết các bất cập đã nêu trên, bỏ “Liên hoan giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm giỏi toàn quốc”, chỉ còn công nhận “Giáo viên dạy giỏi”, “Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh”.

Thứ hai, về điều kiện công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Cụ thể là đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức khá (giáo viên dạy giỏi thì yêu cầu tiêu chí chuyên môn phải ở mức tốt; đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì tiêu chí về giáo dục đạt mức tốt).

Thứ ba, là về phần thi. Đối với giáo viên dạy giỏi thì thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hành dạy học một tiết dạy (đối với giáo viên phổ thông) theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi;

Đối với giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì thực hành một tiết tổ chức hoạt động trải nghiệm (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm tổng hợp) trong kế hoạch giáo dục của trường và của giáo viên tại thời điểm diễn ra Hội thi.

Giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy/hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 3 ngày trước thời điểm thi dạy và được tổ chức tại lớp học. Không được dạy thử/thực hành tiết học/hoạt động tham gia hội thi ở bất cứ đâu trong năm học tổ chức hội thi…

Giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi phải trình bày một báo cáo chuyên đề trước Ban giám khảo, thời lượng không quá 30 phút, thể hiện biện pháp đã thực hiện có hiệu quả nhất trong hoạt động dạy học/giáo dục học sinh của cá nhân tại cơ sở giáo dục mà giáo viên đang công tác. Chuyên đề báo cáo phải là lần đầu tiên tham gia hội thi, chưa được dùng để xét duyệt thành tích cá nhân trước đó.

Thứ tư, về nguyên tắc của Hội thi, cần dựa trên nguyện vọng tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia Hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và khách quan. Tuyệt đối không có hành vi vụ lợi trong Hội thi. Nghiêm cấm tổ chức Hội thi trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành.

Thứ năm là giao quyền tự chủ cho địa phương về quy định số lượng giáo viên tham gia Hội thi các cấp do Trưởng ban tổ chức Hội thi quyết định căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách của địa phương hàng năm; kể cả thời gian và địa điểm tổ chức Hội thi sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ sở. Điều này có nghĩa là các cấp quản lý giáo dục tại cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm của mình, không thể đổ lỗi do văn bản, cơ bản nhất vẫn là con người thực thi, minh bạch. Tuy nhiên, việc giao trách nhiệm đồng hành với nghĩa vụ như trên là hoàn toàn hợp lý trong giai đoạn phân quyền, nhiêm vụ quản lý giáo dục hiện nay. Đặc biệt là đơn giản hóa cách điều hành toàn bộ các hoạt động của Hội thi, ra quyết định thành lập Ban Giám khảo và các ban, tiểu ban phục vụ Hội thi (nếu cần thiết). Các ban và tiểu ban làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban Tổ chức.

Việc sử dụng kết quả Hội thi là minh chứng để đánh giá, xếp loại thi đua của cá nhân. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên. Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương theo thẩm quyền quản lý tổ chức sinh hoạt chuyên môn trên địa bàn thông qua việc giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi báo cáo tiết dạy, tổ chức hoạt động giáo dục tham dự Hội thi nhằm lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm dạy tốt.

Làm được như vậy mới đánh giá được cả quá trình giảng dạy, giáo dục trẻ em/học sinh của giáo viên và việc công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mới xác thực và công bằng, không tiêu cực.

Trân trọng cảm ơn bà!

Diệp Anh (thực hiện)

Top