Để du lịch Thủ đô bứt phá

27/01/2020 6:53 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2019 có thể được coi là một năm thành công của ngành Du lịch Thủ đô với việc tăng trưởng lượng khách và doanh thu của từ du lịch, nhiều chương trình, giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cũng đã được triển khai, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải. Ảnh: Minh Anh

Nhân dịp Xuân mới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ chia sẻ về đánh giá mới nhất về đóng góp tăng trưởng Du lịch cho Thủ đô trong năm 2019 và các giải pháp cho tăng trưởng du lịch Thủ đô trong năm 2020.

Thưa ông, năm nay ngành du lịch Hà Nội vừa công bố kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội và đánh giá tác động của du lịch đối với nền kinh tế Thủ đô. Bản điều tra này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành du lịch?

Ông Trần Đức Hải: Trong 3 năm qua (từ năm 2017 đến năm 2019), Sở Du lịch đã chủ động phối hợp với Cục Thống kê Thành phố triển khai điều tra khách du lịch đến Hà Nội (phương án điều tra được Tổng cục Thống kê thẩm định và phê duyệt); đồng thời Sở đã mời PGS. TS Trần Thị Kim Thu - Giảng viên cao cấp chuyên ngành thống kê Trường Đại học Kinh tế quốc dân xây dựng báo cáo Đánh giá tác động của du lịch đối với kinh tế Thủ đô. Có thể nói, kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội và kết quả đánh giá tác động của du lịch đối với nền kinh tế Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, thông qua kết quả điều tra khách đã đánh giá được cơ bản thực trạng tình hình khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đến Hà Nội; trong đó đã xác định được các chỉ tiêu về cơ cấu khách du lịch, thời gian lưu trú bình quân, chi tiêu bình quân, cơ cấu chi tiêu và nhiều chỉ tiêu khác về khách du lịch đến Hà Nội như: độ tuổi, nghề nghiệp, mục đích du lịch Hà Nội, phương tiện đến, đánh giá của du khách về du lịch Thủ đô: những điều ấn tượng và những điều chưa hài lòng…

Thứ hai là trên cơ sở kết quả điều tra khách du lịch đến Hà Nội, đã xác định được tổng thu từ khách du lịch đến Hà Nội. Từ đó xác định và đánh giá được vai trò và tác động của du lịch đối với kinh tế Thủ đô, đối với tạo việc làm tại Hà Nội và sức lan tỏa của ngành du lịch đối với các ngành nghề khác trên địa bàn Thành phố. Theo kết quả đánh giá tác động của du lịch  đến nền kinh tế Thủ đô năm 2019, ngành du lịch Thủ đô đóng góp 12,54% vào GRDP của Thủ đô, trong đó: đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%. So sánh với kết quả năm 2017, 2018 đóng góp tổng hợp của du lịch vào GRDP Hà Nội ngày càng lớn. Kết quả này đã minh chứng xu thế chung toàn cầu và vai trò của hoạt động du lịch trong việc phát triển kinh tế nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng; phát triển hoạt động du lịch có tác động tích cực đến hoạt động của các ngành kinh tế khác của Thủ đô.

Thứ ba, các chỉ tiêu điều tra này sẽ là cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, công tác xây dựng sản phẩm, dịch vụ chất lượng đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, công tác xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch Hà Nội, công tác dự báo phát triển du lịch trong những thời gian tiếp theo.

Định vị du lịch Hà Nội là cơ sở quan trọng để Hà Nội tiếp tục đưa ra những giải pháp cho tăng trưởng và phát triển du lịch. Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của ngành du lịch Hà Nội trong năm 2020?

Ông Trần Đức Hải: Năm 2020 dự báo Du lịch Hà Nội sẽ trở thành điểm đến tạo được sức thu hút khách du lịch quốc tế mạnh mẽ với sự kiện Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Năm ASEAN 2020 và Hà Nội tiếp nhận đăng cai giải đua xe F1 trong 10 năm, bắt đầu tổ chức từ tháng 4/2020 tại khu vực Mỹ Đình. Trong bối cảnh thuận lợi đó, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ chính.

Đó là tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06, Kế hoạch số 207 và các nhiệm vụ thực hiện triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2016 của Chính phủ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch như triển khai quy hoạch, đầu tư dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; làng cổ ở Đường Lâm. Tiếp tục ưu tiên bố trí quỹ đất các địa điểm phù hợp để lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020.

Xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao và danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư đã được xác định.          

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các nội dung du lịch thông minh; lập và tổ chức thực hiện đề án rà soát, thống kê danh sách các điểm đến du lịch và lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch trên cơ sở kết quả ý tưởng thiết kế của chuyên gia Pháp.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2024 giữa Thành phố Hà Nội và kênh CNN quốc tế.

Trong năm nay, ngành du lịch Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho các đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời thực hiện tốt công tác đảm bảo môi trường hoạt động kinh doanh du lịch và an ninh an toàn đối với du khách cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay.

Năm 2020, ngành Du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 32 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với năm 2019. Theo ông, việc đạt được chỉ tiêu này có khó không? Trong bối cảnh năm 2020 thì giải pháp nào được coi là quan trọng nhất?

Ông Trần Đức Hải: Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2019, mức tăng bình quân khách du lịch đến Hà Nội đạt 10,1%/năm. Bên cạnh đó, năm 2020 là năm cuối thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2020 Hà Nội vinh dự đăng cai tổ chức giải đua xe F1, sức lan tỏa của giải đua sẽ vô cùng mạnh mẽ vì đây không đơn thuần là sự kiện thể thao quốc tế trong 3 ngày diễn ra chặng đua chính thức tại Việt Nam, mà còn là một lễ hội đích thực với chuỗi các hoạt động giải trí trước và sau sự kiện. Vì vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng ngành Du lịch sẽ đạt được mục tiêu thu hút 31,88 triệu lượt khách trong năm 2020.

Thời gian vừa qua, Du lịch Hà Nội đã và đang tạo được nhiều nét đột phá thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Nội qua kênh truyền thông quốc tế CNN. Đồng thời, trong bối cảnh năm 2020 với nhiều sự kiện lớn được tổ chức ở Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô xác định một trong những giải pháp trọng tâm đó là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; trong đó tập trung vào triển khai đề án nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao và danh mục các khu, điểm du lịch trọng điểm cần tập trung đầu tư đã được xác định. Tôi cho rằng xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù đi đôi với việc làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, Du lịch Hà Nội sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu của Thủ đô.        

Được biết ngành du lịch Hà Nội trong năm nay sẽ tập trung hơn cho việc tăng trưởng lượng khách du lịch nội địa. Xin ông cho biết, lý do ngành du lịch có sự chuyển hướng này.

Ông Trần Đức Hải: Trong mấy năm trở lại đây khách du lịch đến Hà Nội đã có mức tăng trưởng tốt đẹp. Bên cạnh đó từ năm 2017 - 2019, Sở Du lịch đã phối hợp với Cục Thống kê Hà Nội và một số đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khảo sát tổng thể các chỉ số về thị trường khách, loại hình khách, chi tiêu, thời gian lưu trú khách du lịch… Kết quả của cuộc điều tra cũng chỉ ra cho thấy khách du lịch nội địa đến Hà Nội có mức chi tiêu bình quân khá cao so với khách du lịch quốc tế, trong khi đó các đòi hỏi về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ không quá cao. Mặt khác, nhu cầu chi tiêu của khách nội địa khá đa dạng từ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, mua sắm rất phù hợp với các sản phẩm dịch vụ du lịch đang sẵn có tại Hà Nội. Kết quả khảo sát sự hài lòng của du khách nội địa với các sản phẩm dịch vụ du lịch tại Hà Nội thì hầu hết khách du lịch đều hài lòng và rất hài lòng với các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Hà Nội nhất là các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch kết hợp với ẩm thực, vui chơi giải trí khu vực phố cổ Hồ Gươm ngày cuối tuần và Du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nông nghiệp khu vực Sơn Tây - Ba Vì đặc biệt từ dịp đầu từ đầu mùa Xuân đến cuối mùa Hè. Hơn nữa đẩy mạnh tăng trưởng khách nội địa sẽ góp phần khai thác có hiệu quả các điểm đến là các di tích văn hóa, lịch sử; điểm du tâm linh, di tích lịch sử cách mạng hiệu quả hơn so với thu hút khách du lịch quốc tế do khách du lịch nội địa có nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán.

Tôi cho rằng, phát triển thu hút khách nội địa từ các địa phương góp phần đẩy mạnh phát huy khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, lịch sử ngàn năm văn hiến của Thủ đô khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Hà Nội góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển thu hút khách du lịch nội địa hiệu quả góp phần lan tỏa văn hóa, văn minh cuộc sống đô thị đến với các vùng miền trong cả nước. 

Khi lượng khách du lịch nội địa từ các địa phương đến Hà Nội tăng trưởng cả về số lượng, thời gian lưu trú, chi tiêu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp dịch vụ du lịch như các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, công ty vận chuyển, điểm đến, và cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thể thao… góp phần tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

Trong thời gian tới, để công tác quản lý đạt hiệu quả và tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, ngành Du lịch Hà Nội cũng mong Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, sẽ xem xét ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch triển khai thống nhất trên toàn quốc theo quy định tại Điều 5 Luật Du lịch; xem xét miễn visa cho công dân một số quốc gia phát triển là thị trường du lịch trọng điểm như: Úc, Newzealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy dòng khách từ các quốc gia này đến du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, ngành du lịch cũng đề xuất kiến nghị HĐND, UBND Thành phố Hà Nội xem xét ban hành chính sách về hỗ trợ thực hiện chương trình đầu tư phát triển nâng cao chất lượng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Xin cảm ơn ông!

Minh Anh (thực hiện)

Top