Để hàng Việt lan tỏa rộng hơn

25/04/2018 5:51 PM

(Chinhphu.vn) - Bằng nhiều hoạt động thiết thực như đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng điểm bán hàng Việt, kết nối cung - cầu hàng hóa…, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

Người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt chất lượng thông qua các chương trình kết nối cung cầu. Ảnh: Thùy Linh

Thực tế thời gian qua, từ các loại đặc sản, trái cây đến các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng… qua công tác tuyên truyền và nhiều chương trình của ngành Công Thương như “Hội chợ đặc sản vùng, miền”, “Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội”… đã giúp người tiêu dùng biết và tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm hàng nông sản, hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao.

Điển hình, mới đây gần 50 sản phẩm đặc sản của Cần Thơ như xoài cát Hòa Lộc, sản phẩm trái cây chế biến, đóng hộp, gạo lức tím than, gạo thơm Japonica, gạo hữu cơ Organic Rice hương sữa, mật ong chanh đào… đã được quảng bá, giới thiệu tại Hà Nội. Việc kết nối giao thương sản phẩn nông sản Cần Thơ với Hà Nội cũng chính là cơ hội để hàng Việt được lan tỏa rộng khắp.

Bà Nguyễn Thu Trang, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, có rất nhiều đặc sản ngon như xoài cát Hòa Lộc của Cần Thơ; gừng đá, hồng không hạt, bí xanh thơm đặc biệt của Bắc Kạn; rau bò khai - đặc sản của Lạng Sơn… nhưng người tiêu dùng Thủ đô không có cơ hội biết đến thương hiệu của sản phẩm nếu không có các chương trình kết nối do Thành phố tổ chức.

Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội, bên cạnh việc một số doanh nghiệp chưa quan tâm tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm, thì một số quận, huyện trong quá trình truyền thông về cuộc vận động khá hời hợt…, nên tác động và sức lan tỏa về cuộc vận động tới người tiêu dùng không đạt kết quả như mong muốn.

Chẳng hạn như quận Long Biên rất tích cực kết nối doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng, song công tác này chỉ hiệu quả với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm chất lượng tốt và chưa có chương trình quảng bá hiệu quả.

Cần tiếp tục tuyên truyền

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, để hàng Việt đến được với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, hoạt động thông tin quảng bá sản phẩm là rất cần thiết. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cuộc vận động các quận huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa tới cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân qua các hệ thống mua sắm trên địa bàn.

Cùng với đó, tuyên truyền tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp sử dụng sản phẩm nội khối của nhau; kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các siêu thị, trung tâm thương mại…

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội Trịnh Thế Khiết chia sẻ, năm 2017, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, giúp đỡ nông dân xây dựng thương hiệu. Đến nay, đã có 8 sản phẩm nhãn hiệu do nông dân đứng chủ sở hữu. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện cuộc vận động, Hội Nông dân Thành phố gặp không ít khó khăn như tập quán sản xuất của nông dân, nhận thức về thị trường và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, sản xuất tự phát, tràn lan không có kế hoạch…

Vì vậy, để hàng Việt giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động, về hàng Việt Nam tới người dân, đồng thời tôn vinh, bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, qua đó giới thiệu hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền rộng rãi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến lợi ích người tiêu dùng...

Có thể thấy, mặc dù Thành phố đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt quảng bá, kết nối với doanh nghiệp bán lẻ trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản, tuy nhiên về lâu dài rất cần các doanh nghiệp phải chú trọng việc phát triển sản xuất nông sản an toàn quy mô lớn.

Các cơ quan quản lý cũng phải đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định, thủ tục pháp lý về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Qua đó bảo đảm tính bền vững trong quá trình kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Hà Nội và xuất khẩu ra nước ngoài thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại.

Thùy Linh

Top