Để hàng Việt vươn ra ‘biển lớn’

14/05/2019 2:30 PM

(Chinhphu.vn) – Đưa hàng Việt vào thị trường Nhật nói chung và trở thành nhà cung ứng chính thức cho AEON nói riêng, đòi hỏi sản phẩm Việt phải đạt được các tiêu chí về chất lượng sản phẩm và giá thành. Đổi lại, đây sẽ là “bệ đỡ” để hàng Việt vươn ra biển lớn.

Quảng bá hàng Việt tại Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tổ chức tại Nhật Bản 2018. Ảnh: Thùy Linh

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài đến 2020”, trên cơ sở các văn bản hợp tác ký kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Nhật Bản và giữa thành phố Hà Nội với Tập đoàn AEON, từ năm 2017, HPA được giao chủ trì phối hợp với Tập đoàn AEON và các doanh nghiệp để đưa hàng hóa của Việt Nam vào trong hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản. Ở đây có 2 loại, thứ nhất là tiếp cận hệ thống siêu thị AEON tại Việt Nam và tiếp cận hệ thống siêu thị AEON tại thị trường Nhật Bản.

Trong năm 2018, trên cơ sở rất nhiều sản phẩm, rất nhiều doanh nghiệp HPA phối hợp với Tập đoàn AEON mới lựa chọn được 6 sản phẩm để đưa vào giới thiệu Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội 2018 trong hệ thống phân phối của AEON tại Nhật Bản, doanh số bán thử các sản phẩm này trong Tuần hàng là trên 6 tỷ đồng. Cạnh đó, HPA cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm Việt tại siêu thị AEON Nhật Bản.

“Ở đây chúng tôi muốn nói, việc quảng bá giới thiệu hàng Việt cho các hệ thống phân phối của các Tập đoàn lớn của nước ngoài ở Việt Nam đã là khó. Nhưng việc hỗ trợ để cho các DN Việt có thể tiếp cận để các DN có thể đưa hàng hóa của mình vào, bán ngay tại các siêu thị ở nước bản địa là một quá trình rất gian nan”, bà Mai Anh nhấn mạnh.

Bà Mai Anh chia sẻ, Nhật Bản cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới, Tập đoàn AEON lại là tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản. Do vậy, thương hiệu, quy chuẩn, yêu cầu của họ là những yếu tố bắt buộc. Sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh thì mới có thể vào được kênh phân phối này và mới bán được.

Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khách hàng Nhật Bản, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON Nhật Bản đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thông qua hệ thống phân phối của AEON, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Hà Nội đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn AEON trong 20 năm để đưa hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vào siêu thị AEON tại Nhật Bản và hệ thống siêu thị AEON tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, đòi hỏi sự cố gắng của chính doanh nghiệp.

Hàng Việt Nam tại siêu thị Nhật. Ảnh: Thùy Linh

Bà Mai Anh nêu thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngộ nhận, tôi đã xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Nhật Bản thì đương nhiên sẽ vào được hệ thống siêu thị AEON. Đây là quan điểm sai. Ngay cả các doanh nghiệp làm cung ứng, có thể họ làm sản xuất rất tốt nhưng vấn đề họ còn mải mê với các hợp đồng xuất khẩu, mà chưa để ý nhiều đến các vấn đề đòi hỏi sự bền bỉ, có 1 cuộc cạnh tranh quyết liệt trên mặt trận mà người đánh giá cuối cùng là người tiêu dùng nước ngoài.

Nói đến quả xoài Việt Nam vẫn còn rất xa vời, trong khi quả xoài của Pakistan họ đã có vị trí nhất định, vừa chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Chúng ta còn kém cạnh tranh với quả xoài của Malayxia, Pakistan, Philipines, Thái Lan. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải có khả năng đầu tư, mở rộng quy mô, chất lượng sản phẩm, cũng như đáp ứng được yêu cầu mang tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội, phải có khả năng cạnh tranh rất lớn với các mặt hàng của các quốc gia như: Thái Lan, Philippines, Indonexia…

Là công ty chuyên về lĩnh vực thời trang và may mặc, ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Aligro chia sẻ, việc đưa sản phẩm Việt vào thị trường Nhật Bản nói chung và Tâp đoàn AEON nói riêng đòi hỏi cần có bước đi và sự tìm hiểu kỹ lưỡng, cần có khâu chuẩn bị. Về phía Công ty cũng đã tìm hiểu rất kỹ về dòng sản phẩm, nguyên liệu, phong cách, kiểu dáng như thế nào, doanh nghiệp đã nghiên cứu và rất mong muốn đưa sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài vấn đề về nguồn nguyên liệu, chất lượng thì vấn đề thành cũng là vấn đề, với việc nhập khẩu các máy móc với công nghệ tốt nhất, cùng với lợi thế nhân công giá rẻ, ông Linh đặt niềm tin, khi sản phẩm của mình sẽ có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Nhật Bản nói riêng và trong chuỗi siêu thị AEON nói riêng.

Thùy Linh

Top