Để kỳ nghỉ hè vui, bổ ích và hiệu quả

27/05/2019 10:56 AM

(Chinhphu.vn) – Kỳ nghỉ hè đã thực sự bắt đầu với các con bằng việc kết thúc chương trình học chính khóa tại các trường. Các bậc phụ huynh có rất nhiều lựa chọn cho kỳ nghỉ hè của con như tham gia các trại hè, gửi con về quê với ông bà… Nhưng dù thúc đẩy con tham gia sinh hoạt trong môi trường nào đi nữa thì phụ huynh cũng nên cố gắng dành cho con một kỳ nghỉ ý nghĩa thay bằng mong con thực hiện các nguyện vọng của người lớn.

Các hoạt động vào hè của trẻ em trên địa bàn Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Dũng

Nâng cao kỹ năng sống từ nghỉ hè

Những ngày đầu hè, đến một số bể bơi nổi tiếng của Hà Nội, như Tăng Bạt Hổ, Khách sạn Khăn Quàng Đỏ, hay các bể bơi mới xây dựng trong các khu chung cư, chúng tôi luôn gặp tình trạng quá tải. Thậm chí, nhiều khu chung cư đã có “luật” bể bơi chỉ phục vụ cư dân nội khu nhưng vẫn quá tải bởi cư dân có người nhà, người quen xin làm tạm trú ở chung cư là được mua vé bơi như dân nội khu.

Thực tế, đây là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của trẻ em, theo anh Dương Minh Hoàng (Khu đô thị Mullberyland, Mỗ Lao, Hà Đông) nhìn nhận: “Không chỉ con nhà tôi mà tôi thấy đa số trẻ em đều thích nghịch nước, nhầ là trong mùa hè, nước luôn mang lại niềm vui bất tận cho chúng. Không những vậy, bơi là một kỹ năng sống còn rất quan trọng với trẻ, vì vậy phần lớn cha mẹ lựa chọn cho con theo học trong dịp hè”

Ngoài ra, có nhiều hoạt động thể lực khác mà các bậc phụ huynh cũng thích đăng ký cho con học, như bóng đá, võ thuật, múa ba-lê, âm nhạc, nhảy, hay kỹ năng phòng, chống hỏa hoạn, tập làm bộ đội…

Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ, mục đích họ cho con tham gia các khóa kỹ năng sống là nhằm giúp các con sống tự tin, năng động, chủ động hòa nhập và phát triển trong xã hội hiện đại. Chị Đặng Nhật Linh (Hoàng Mai) chia sẻ: “Cháu nhà tôi tuy khá lớn nhưng không biets làm nhiều việc nhà và có vẻ sự ỷ lại ngày càng lớn nên tôi quyết định cho cháu tham gia một chương trình “học kỳ quân đội” để cháu được huấn luyện tác phong ngăn nắp và biết làm việc cá nhân gọn gàng, nhanh chóng hơn”.

Theo cô giáo Bảo Châu, nhà tư vấn của Công ty TNHH dịch vụ và giáo dục Bảo Châu (Xuân Đỉnh, Hà Nội), mùa hè nên cho trẻ học kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, học sống độc lập, làm việc nhóm… Ngoài ra, có điều kiện nên cho trẻ về quê, gần gũi với thiên nhiên, tận mắt nhìn cây cối, con vật mà ở thành phố khó trải nghiệm. Hoặc tham gia các khóa học tập thể với các trò chơi vận động thể lực, tinh thần phát triển nhóm, kỹ năng sống giúp trẻ nạp đầy năng lượng sức khỏe, tinh thần để bước vào năm học mới. Nhưng nên hỏi ý kiến của trẻ, và chọn môn phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của bé.

Về kiến thức, cho con ôn bài và khám phá năm học mới nhưng đừng ép con học trước chương trình, học nâng cao… để vượt trội. Cũng không để trẻ thích gì làm nấy, mà hãy hướng dẫn con xây dựng thời khóa biểu mỗi hoạt động 30-60 phút ở nhà, linh hoạt lên lịch đọc sách, học, vui chơi, xem tivi, vào internet, đá bóng…

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, mỗi cha mẹ khi lựa chọn một khóa học hè cho con ngoài việc đưa ra định hướng thì không nên áp đặt con em mình. Việc lựa chọn hình thức học tập, rèn luyện nào cũng cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, sao cho phù hợp về thể chất, tâm lý của trẻ. Có như vậy, kỳ nghỉ hè mới thật sự có ý nghĩa với con trẻ. Mặt khác, khi cho con tham gia bất kỳ khóa đào tạo kỹ năng sống nào, cần tìm hiểu kỹ về đơn vị đứng ra tổ chức, nhằm tránh mất tiền oan cho những khóa học phô trương bên ngoài, nhưng lại chỉ là một dạng trông giữ trẻ đơn thuần.

Nghỉ hè, cần thiết cho con sinh hoạt hè tại nơi dân cư giúp con hòa đồng, gắn bó, gần gũi nơi mình sinh sống. Hè cũng là dịp con trẻ được về thăm quê, để có những trải nghiệm thú vị với cuộc sống nơi miền quê.

Các em học sinh tham gia học kỳ quân đội dịp nghỉ hè. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tận dụng thời gian gắn kết với gia đình

Thực tế lịch học của trẻ nhỏ giờ cũng “bận” ngang người lớn đi làm, chính vì vậy mùa hè là thời điểm lý tưởng để cả nhà có thể gắn kết hơn với nhau.

Như chị Trần Ngọc Dung (Văn Phú, Hà Đông) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi có hai cô con gái một đứa trên 12 tuổi, một đứa 10 tuổi nên tôi áp dụng biện pháp tự ở nhà trông nhau. Nhà có điện thoại và camera quan sát nên không quá lo. Khung chung cư an ninh cũng khá chặt chẽ mà mọi việc sinh hoạt trên 1 mặt sàn cũng tiện hơn nên các cháu khá thoải mái khi ở nhà với nhau”. Chị phân tích cho con gái lớn biết: “Bố mẹ đi làm vất vả để nuôi hai chị em. Vì vậy con tự ghi danh sách những việc con có thể làm giúp mẹ mỗi ngày, đặc biệt là trông em”. Chỉ cần con làm được một phần việc nhỏ là bố mẹ đã khen rồi rít, vì thế vợ chồng chị yên tâm đi làm. Để đề phòng mọi chuyện, chị thu dọn hết đồ đạc lên cao và xa khỏi tầm với của con, để lỡ trẻ nghịch bắc ghế lên cũng không với tới được.

Các chuyên gia Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt cũng cho rằng, nghỉ hè cần cho con tham gia các khóa học và trải nghiệm kỹ năng tự sinh tồn để phòng tránh mối nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân khi đối mặt với các tình huống bất ngờ và cấp bách, giảm bớt sự cố đáng tiếc. Không nên ép con học bài vì vào năm học con có nhiều áp lực. Hãy quan tâm, để ý đến tâm sinh lý, sở thích và nhu cầu của trẻ, để trẻ có thể có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và vui vẻ. Các khóa học này có thể chỉ kéo dài vài tiếng trong ngày còn đâu các con có thể về vui chơi nghỉ ngơi tại gia đình. Bố mẹ nên trò chuyện về những kiến thức con thu được trong ngày, như thế sự gắn kết sẽ bền vững cùng những kiến thức mới hàng ngày.

Trẻ thành phố nhiều khu cũng thèm được về quê ra bờ suối, con sông lội mát, hoặc đôi khi chỉ để ném vài viên đá xuống mặt nước đang rất phẳng lặng mà phát tiếng rơi… bõm. Bọn trẻ còn mong được chạy vào các bờ ruộng bới khoai, bẻ ngô; để cùng nhau ríu rít đốt lửa tạo than để nướng. Những đứa trẻ sinh ra ở thành thị hầu như đều ngỡ ngàng khi thấy trẻ con ở quê chơi trò nấu cơm, nấu mì bằng vỏ lon bia, sau đó sì sụp ngồi ăn ngon lành…..

Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian vô cùng quý báu để không những trẻ em mà cả người lớn có thể thư giãn, xả stress, nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng.

Tất nhiên, mỗi phương án đưa ra, mỗi sự lựa chọn đều có những "điều kiện" của nó. Những điều kiện đòi hỏi sự điều chỉnh của chính những bậc cha mẹ và của cả xã hội. Bởi để có những cơ hội cho trẻ vui chơi, rèn luyện... cũng cần những cơ sở vật chất như những điểm vui chơi phù hợp với trẻ, những trò chơi mà trẻ yêu thích; trong khi trên thực tế đây là điều đang còn rất thiếu (chúng tôi sẽ đề cập trong loạt bài khác). Ngoài ra, để cha mẹ có thể dành thời gian cho con, cũng nên có những sự "giảm áp lực" trong công việc với người lao động trong những dịp hè này. Mà điều này, bản thân các bậc cha mẹ không thể... tự cho phép mình mà đủ.

Một mùa hè, mà ở đó, cha mẹ sẽ có thêm thời gian ở bên con cái mình, có thời gian để cùng con chia sẻ những ngày hè bổ ích, thay vì biến kỳ nghỉ hè của con thành gánh nặng cho mình, và cho chính trẻ. Đâu cần phải quá đắt đỏ cho một kỳ nghỉ hè, cũng chưa hẳn là cần những sự hy sinh quá lớn cho con về thời gian. Đơn giản là sự quan tâm, chia sẻ... sẽ giúp cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn. Nên là như thế, dành cho trẻ những kỳ nghỉ hè yêu thương, bởi hãy tâm niệm một điều, những mùa hè để trẻ còn ở bên và cần chúng ta, cũng không phải là quá nhiều...

Nguyễn Dũng

 

Top