Đề nghị người dân không vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc

11/03/2019 3:28 PM

(Chinhphu.vn) - Trước thực trạng vẫn còn có dịch tả lợn châu Phi, quận Ba Đình yêu cầu người dân không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe ô tô vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc - Ảnh Internet

Theo đó, UBND quận Ba Đình yêu cầu Thành viên Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm quận phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành quận kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và đột xuất đối với công tác quản lý nhà nước lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và việc thực hiện các quy định về hoạt động vận chuyển, chế biến, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, đề nghị UBND các phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng về các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; nhất là phải vận động người dân không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng thời tổ chức thực hiện ký cam kết “Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y” đối với các cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Đối với Ban quản lý các chợ lớn như Long Biên, số 2, số 3, quận yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh gia súc, gia cầm trong chợ, tuyệt đối không cho phép bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm nhiễm dịch, không đảm bảo vệ sinh ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tại quận Tây Hồ, UBND quận yêu cầu kiểm tra các điều kiện về vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm theo các quy định hiện hành. Theo đó, thời gian triển khai trong tháng 3 cho đến khi hết Dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm quận sẽ làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các phường để nắm bắt tình hình công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các cơ sở có hoạt động vận chuyển, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật, các sản phẩm từ động vật, đặc biệt từ thịt lợn như patê, xúc xích, giò chả, nem chua... trong đó, tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo UBND quận, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, triệt để, tuyệt đối không để các sản phẩm động vật, đặc biệt sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo VSATTP, không đúng quy định về nhãn mác hoặc các vi phạm khác lưu thông trên thị trường...

Tại quận Bắc Từ Liêm, UBND quận sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định có liên quan đến hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng; phụ gia và nguyên liệu thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (bao gồm cả 3 lĩnh vực Y tế, Nông nghiệp, Công Thương) trên địa bàn.

Đối với Ban chỉ đạo ATTP các phường, quận yêu cầu thực hiện kiểm tra định kỳ 2 lần/năm; đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thực phẩm là thực hiện kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất theo quy định.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tránh thấp nhất thiệt hại xảy ra, huyện Gia Lâm khuyến khích người dân và các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi trên địa bàn. Cụ thể, huyện yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi yên tâm sản xuất, tiếp tục tái nhập giống để phát triển chăn nuôi, tái cơ cấu lại sản xuất, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp chăn nuôi theo quy hoạch, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi lớn xa khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, an toàn thực phẩm, chăn nuôi VietGap.

Tuyên truyền và chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi sản xuất giống, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thực hiện chăn nuôi theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01- 14;15:2010/BNNPTNT đối với trang trại chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt.

Đồng thời, thường xuyên và định kỳ vệ sinh tiêu độc lại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ, kinh doanh thực phẩm và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly khu vực chăn nuôi theo quy định của thú y.

Huyện cũng khuyến khích tổ chức sản xuất liên kết chăn nuôi theo chuỗi (chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ sản phẩm) để sản phẩm đến người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm truy xuất được nguồn gốc xuất xứ dễ dàng.

Vĩnh Hoàng

Top