Để nông nghiệp Thủ đô là ‘bệ đỡ’ cho nền kinh tế

07/05/2020 4:47 PM

(Chinhphu.vn) – Để ngành nông nghiệp không chỉ là “bệ đỡ” của nền kinh tế mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của dịch Covid-19, đòi hỏi ngành nông nghiệp Hà Nội phải có bước chuyển mới, hướng tới mục tiêu lớn là thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Thành Nam

Tình trạng biến đổi khí hậu và dịch Covid-19 đã và đang đặt ra hai vấn đề trọng tâm cho ngành nông nghiệp Hà Nội. Đó là vừa bảo đảm duy trì tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế Thủ đô, vừa chủ động nguồn cung cho Hà Nội trên tinh thần không để thiếu lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống.

Quý I/2020, mặc dù tăng trưởng âm nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn có nhiều điểm sáng và đây là những lợi thế, thế mạnh để khai thác cho mục tiêu khôi phục tăng trưởng. Nổi bật là lĩnh vực chăn nuôi, trong đó chủ lực là nuôi trồng thủy sản và gia cầm.

Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố là 22.400ha; sản lượng quý I/2020 đạt 27.000 tấn, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, diện tích nuôi không biến động nhiều, nhưng sản lượng thu hoạch tăng, kết quả này là do lĩnh vực thủy sản đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, công nghệ cao như mô hình nuôi cá chép năng suất cao, cá rô phi đơn tính, cá lăng trong lồng...

Còn chăn nuôi gia cầm, dù chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, nhưng quý I/2020, tổng đàn gia cầm toàn thành phố đạt 33,5 triệu con, tăng 17,54%, sản lượng đạt 33.000 tấn, tăng 25,21%. Trong khi đó, sản lượng trứng gia cầm đạt 540.000 quả, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm 2019… Ngoài ra, đàn trâu hiện đạt 24.300 con, tăng 1,25%; đàn bò 130.000 con, tăng 0,78%...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp cũng như đời sống của người dân các vùng nông thôn Hà Nội. Trước hết là nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do những hạn chế từ việc phân phối, lưu thông... Thực hiện nhiệm vụ này với khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi quyết tâm rất cao, nhưng Giám đốc Chu Phú Mỹ khẳng định, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ nỗ lực cao nhất để trở thành “bệ đỡ” cho của nền kinh tế Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất từng vụ, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm, tận dụng những dư địa của ngành để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Trước mắt để ổn định sản xuất, với lĩnh vực trồng trọt, vấn đề quan trọng nhất là tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi vụ xuân để khôi phục tăng trưởng cũng như bảo đảm nguồn cung hàng hóa. Cụ thể là tập trung phòng bệnh cho lúa, phát triển đa dạng nhóm rau màu; nâng diện tích rau an toàn vụ xuân lên 5.000ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.000ha, hằng ngày cung ứng ra thị trường 450 tấn rau các loại.

Về chăn nuôi, năm 2020 phải đạt tăng trưởng 6%-7%. Theo đó, ngành chăn nuôi đã và sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tăng 30% tổng đàn lợn. Đồng thời, tăng 1,2% đàn trâu, 2% đàn bò, 1,13% đàn gia cầm và thủy sản tăng khoảng 6,29%... so với năm 2019...

Tái cơ cấu gắn với nền tảng là công nghệ 4.0

Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, tại buổi làm việc với đại diện Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài. Theo đó, về lâu dài, để bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Hà Nội phải đẩy mạnh tái cơ cấu. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Hai vấn đề này phải được tiến hành song song, có nghĩa là tái cơ cấu gắn với nền tảng là công nghệ 4.0.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo từng lĩnh vực và chọn lựa mỗi thế mạnh của từng lĩnh vực để khai thác, phát triển. Cụ thể như trồng trọt sẽ tập trung vào hoa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn… Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chuyển đổi 1.850ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, kết hợp phát triển các mô hình du lịch dịch vụ, sinh thái.

Chăn nuôi, thủy sản sẽ được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng, xây dựng các khu giết mổ tập trung công nghiệp hiện đại…

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thì nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ giữ vai trò chủ động. Ngành nông nghiệp sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ và nhóm giải pháp trọng tâm, từ quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng; lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đến nhóm giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhằm hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững, trở thành một trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô.

Thành Nam

Top