Đền Hát Môn chuẩn bị đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

18/03/2016 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Từ ngày 10 - 12/4, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức Lễ hội truyền thống năm 2016 và đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội truyền thống đền Hát Môn.

Đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Ảnh hanoi.gov.vn

Lễ hội truyền thống năm 2016 của huyện Phúc Thọ nhằm khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, qua đó giáo dục và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Thông qua lễ hội, huyện Phúc Thọ mong muốn giới thiệu về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, đất và người Phúc Thọ, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Địa điểm tổ chức lễ hội diễn ra tại đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ. Trong ngày 10/4 sẽ diễn ra phần lễ của dân làng, của khách thập phương, phần hội gồm liên hoan văn nghệ quần chúng của 23 xã, thị trấn và các trò chơi dân gian. Ngày 11/4 sẽ có thêm các hoạt động của phần lễ như tế cáo yết (tế nữ quan), tế của các di tích và hoạt động thi đấu thể dục thể thao.

Ngày 12/4, huyện Phúc Thọ tổ chức đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội truyền thống đền Hát Môn. Chương trình lễ hội bao gồm: Rước lễ làng, tế chính tiệc; rước bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; rước bánh trôi từ UBND xã Hát Môn về đền Hát Môn và Lễ mít tinh kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Đền Hát Môn được tương truyền là nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đánh thái thú Tô Định. Sau khi chiếm được các thành trì ở Lĩnh Nam, Hai Bà bèn tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh, Vĩnh Phúc. Hai năm sau, nhà Hán sai Mã Viện sang đánh, quân Hai Bà phải rút về giữ Cấm Khê, Trưng Vương tự vẫn ở sông Hát, về sau dân xã Hát Môn lập đền thờ kề chân đê.

Ngôi đền Hát Môn hiện lưu giữ được nhiều đồ thờ cúng cùng hoành phi, câu đối nói lên khí phách, tinh thần quật khởi và công đức của Hai Bà đối với non sông xã tắc.

Lễ hội đền Hát Môn diễn ra mỗi năm 3 lần vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm lịch.

Lễ hội mồng 4 tháng Chín kỷ niệm ngày Hai Bà làm lễ xuất quân. Lễ hội mồng 6 tháng Ba tổ chức vào ngày hoá của Hai Bà Trưng, là lễ hội chính hằng năm. Lễ hội ngày 24 tháng Chạp là lễ Mộc dục (tắm tượng).

Diệp An

Top