Đến năm 2020 đáp ứng khoảng 21% nhu cầu vận tải công cộng

09/07/2019 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, với hoạt động vận tải hành khách công cộng, đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện. Ảnh: Gia Huy

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Liên quan đến Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố" tại phiên chất vấn chiều nay (9/7), đại biểu Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị nêu vấn đề Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cũng như Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm của Thành phố và Chương trình 06 của Thành ủy xác định, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đến năm 2010 phải đáp ứng được 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng đến nay mới đáp ứng được 15,7%, dự kiến cuối năm 2019 là 17,3%.

Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết về giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu trên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông cơ bản được giải quyết, năm 2018, trên địa bàn Thành phố còn 33 điểm ùn tắc, đến tháng 7/2019 giảm còn 27 điểm ùn tắc giao thông. Vận tải công cộng được nâng cao về chất lượng dịch vụ; mạng lưới xe buýt được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe buýt đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Việc triển khai các dự án giao thông đường bộ do phải thỏa thuận với nhiều bộ, ngành, tác động tới nhiều người dân, các nhóm lợi ích nên còn chậm; phương tiện cá nhân vẫn tăng nhanh, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp.

Đối với giải pháp để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt từ 20%-25%, Giám đốc Sở GTVT cho rằng sản lượng vận tải hành khách công cộng vẫn đang tập trung ở vận tải xe buýt, do đường sắt đô thị đang chậm tiến độ.

Thành phố đã đưa ra một số giải pháp như: Rà soát hoàn thiện đề án nâng tỷ lệ khách xe buýt; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu vận tải hành khách công cộng; tăng cường kết nối phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng; tăng cường cơ sở hạ tầng để nâng cao dịch vụ tiện ích; tổ chức giao thông hợp lý trong đó ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý; tăng cường công tác tuyên tuyền vận động nhân dân; xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có vi phạm của các DN vận tải xe buýt; nâng cao nguồn nhân lực… Ông Vũ Văn Viện cho rằng với giải pháp đồng bộ tập trung sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Liên quan đến chính sách trợ giá với VTHKCC, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ đại biểu huyện Đông Anh) chất vấn Giám đốc Sở Tài chính về nguyên nhân, trách nhiệm của Sở trong việc tham mưu với Thành phố và hướng giải quyết khi đến nay chưa hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách tiếp tục trợ giá với VTHKCC?

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, đến năm 2019, thành phố Hà Nội có 100 tuyến vận tải hành khách công cộng có trợ giá. Trong giai đoạn 2013-2018, thành phố trợ giá 7.000 tỷ đồng với 2.600 triệu lượt hành khách, bình quân mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, Thành phố còn có chính sách hỗ trợ 100% tiền thuê đất cho điểm đỗ xe Nguyễn Công Hoan, Trần Nhật Duật trong tối đa 10 năm. Cơ chế chính sách trợ giá của Thành phố đã được triển khai đầy đủ, theo đúng chủ trương nhưng một số nội dung vẫn cần phải rà soát, đánh giá. Thành phố đã chấp thuận Sở GTVT thuê đơn vị tư vấn để đánh giá về cơ chế hỗ trợ lãi suất và xác định đơn giá triển khai đấu thầu.

Sẽ tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị 2,3 và 5

Đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) cho biết, Thành phố đã giao cho Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu để đến tháng 12/2018 ban hành các quy định khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư giao thông minh, đường sắt đô thị, xe buýt theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và nếu có vướng mắc thì cho biết rõ và dự kiến biện pháp khắc phục.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, Thành phố đã giao Sở nghiên cứu thực hiện một số dự án đường sắt đô thị và monorail theo hình thức PPP. Sở đã hoàn thiện dự thảo về các quy định đối với lĩnh vực này, chuẩn bị trình Thành phố xem xét. Tuy nhiên, vừa qua Chính phủ có ban hành một số nghị định, quyết định thay thế quy định cũ, đặc biệt là thay đổi quy định về lựa chọn nhà thầu, do đó, Sở phải rà soát lại, chưa thể hoàn thành báo cáo tham mưu cho TP.

Liên quan đến việc thu hút đầu tư cho đường sắt đô thị, Sở đã tham mưu cho UBND Thành phố công bố danh mục kêu gọi đầu tư tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Trong quá trình thảo luận và cân đối nguồn lực, UBND Thành phố đã có chỉ đạo trước mắt tập trung vào 3 tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, và 5.

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cho biết, Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó đã chỉ đạo đồng bộ, giải quyết tổng thể các vấn đề, vừa phát triển hạ tầng, vừa phải lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch khác. Đặc biệt là việc phát triển quy hoạch về hạ tầng giao thông phải gắn với quy hoạch đô thị cũng như quy hoạch vận tải; phấn đấu đưa tỷ lệ đất dành cho giao thông lên tiệm cận tiêu chuẩn đặt ra. Tăng cường đầu tư đổi mới phương tiện vận tải theo hướng thân thiện với môi trường và có ứng dụng công nghệ cao.

Gia Huy-Thùy Linh

Top