Điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2020-2021

01/07/2020 10:24 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin về việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2020-2021; thay đổi thời gian tựu trường; công tác chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trong năm học 2020-2021.

Tựu trường sớm nhất từ ngày 1/9/2020

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017/2018.

Theo dự thảo, Bộ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là vào ngày 5/9/2020; thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới sớm nhất vào ngày 1/9/2020. Bộ yêu cầu các nhà trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian kết thúc năm học 2019/2020 muộn hơn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, nhưng cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các nhà trường có thể tập trung học sinh để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, nhưng không được tổ chức sớm hơn ngày 1/9/2020. Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học của học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (hiện nay là 37 tuần), tương đương với thời gian thực học của học sinh cấp tiểu học nhiều năm nay. Việc này nhằm tăng thời gian tổ chức hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Trước ngày 15/8, học sinh phải có sách giáo khoa

Liên quan đến công tác chuẩn bị sách giáo khoa mới để áp dụng với học sinh lớp 1 trên cả nước từ năm học 2020-2021, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT thông tin, thông qua công tác lựa chọn sách giáo khoa, có thể thấy, tất cả 5 bộ sách đều được các địa phương đón nhận. Có 36 tỉnh, thành phố chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ; 62 tỉnh, thành phố chọn sách giáo khoa ít nhất từ 3 bộ sách giáo khoa trở lên.

Để bảo đảm chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Bộ yêu cầu các sở GD&ĐT hoàn thành công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý về sử dụng sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 30-7/2020; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa, bảo đảm trước ngày 15-8/2020 học sinh phải có sách.

Bộ GD&ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, Bộ đề nghị các địa phương có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền.

Công nhận kết quả học trực tuyến

Một trong những điểm mới đáng chú ý ở bậc học phổ thông trong thời gian tới là bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp sẽ có thêm hình thức dạy học trực tuyến. Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc học phổ thông, tạo hành lang để hình thức này được công nhận như một phương thức bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Sau khi chính thức ban hành quy chế, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng thông tư quy định việc dạy học trực tuyến, quy định rõ trách nhiệm của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các nhà trường, giáo viên, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện bảo đảm việc dạy và học.

Việc này được triển khai căn cứ trên cơ sở kết quả triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa phương, nhà trường. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 50% số trường đại học đã tổ chức dạy học từ xa giúp sinh viên hoàn thành tiến độ học tập. Còn ở bậc học phổ thông, nhiều địa phương có tỷ lệ học sinh học qua internet, qua truyền hình đạt hơn 86%.

Theo HNM

Top