Điều trị hiệu quả nhờ tầm soát sớm bệnh đái tháo đường

06/11/2018 2:54 PM

(Chinhphu.vn) - Đái tháo đường là một căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất và tăng khả năng ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân đái tháo đường chụp đáy mắt kiểm tra biến chứng của bệnh. Ảnh: Thiện Tâm

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Trung ương Hội người Giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam (VDEA), trong năm 2017, theo ước tính của Liên đoàn đái tháo đường thế giới số người mắc đái tháo đường đã lên tới 415 triệu người. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ lên tới trên 600 triệu người. Ước tính số người tử vong do đái tháo đường và biến chứng đái tháo đường năm nay sẽ là 4 triệu. Cứ 6 giây có 1 người tử vong và 20 giây có một người bị cắt cụt chi liên quan đến bệnh đái tháo đường.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đến năm 2040, sẽ tăng lên 6,1 triệu người. Tuy cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 69,9% không biết mình bị bệnh; 85% chỉ phát hiện ra bệnh khi có biến chứng nguy hiểm như: Tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân đái tháo đường… Ngoài ra, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 2-4 lần. Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm.

Để ngăn chặn biến chứng từ đái tháo đường, Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội đã nỗ lực đưa các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường quản lý tại trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, mới chỉ có 28,9% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.

Đặc biệt, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Trong đó, việc đẩy mạnh việc giáo dục nâng cao hiểu biết của cộng đồng về bệnh đái tháo đường sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đối với người chưa có yếu tố gây bệnh thì họ biết cách phòng chống thông qua cách ăn uống khoa học điều độ, luyện tập đúng mức; biết loại bỏ các stress ra khỏi cuộc sống bản thân và những người thân của mình. Đối với người có yếu tố nguy cơ họ sẽ biết làm thế nào để bệnh không diễn biến tới đái tháo đường tuýp 2. Với những người đã mắc bệnh sẽ biết cách giữ gìn, kéo dài thời gian ổn định, hạn chế mức tối đa biến chứng của bệnh.

Một điểm đáng mừng là trong vòng khoảng 10 năm đầu của thế kỷ 21 thì những tiến bộ về thuốc của bệnh đái tháo đường bằng cả một thế kỷ 20 cộng lại. Đây chính là một trong những sự tiến bộ mà không có một lĩnh vực chuyên ngành nào của y học có thể sánh bằng, kể cả thuốc chữa ung thư.

Theo PGS.TS Tạ Văn Bình, nếu trước đây điều trị bệnh đái tháo đường thì làm sao để đường máu thấp, đừng bao giờ vượt quá để qua đường niệu thì bây giờ lại khác, chúng ta điều trị để làm sao rút đường và nước tiểu ra cùng một lúc với natri. Khi rút đường với natri qua nước tiểu sẽ làm giảm mức độ suy tim, giảm số đo huyết áp, ngăn ngừa hội chứng tim mạch… kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân đái tháo đường.

Đặc biệt để ngăn chặn biến chứng đái tháo đường, chế độ ăn uống của người bệnh cũng rất quan trọng. Nếu cách đây 10-20 năm thì người ta khuyên bệnh nhân đái tháo đường càng ăn ít tinh bột thì càng tốt và càng chia nhỏ bữa ăn ra bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nhưng hiện nay lại có quan niệm khác, nếu bệnh nhân đái tháo đường ăn được 3 bữa thì rất tốt bởi nó giúp cho tuyến tụy có thời gian nghỉ ngơi. Không chỉ vậy, như chúng ta đã biết, tất cả năng lượng sinh ra cho con người để hoạt động đều đến từ Gluxit, dù chúng ta có ăn gì đi chăng nữa thì vào đến cơ thể thì đều chuyển hóa thành đường, lúc đó đường mới tạo ra năng lượng để nuôi sống cơ thể. Chính vì vậy, chúng ta phải tính toán cho kỹ để đưa lượng tinh bột vừa phải vào cơ thể, làm cho cơ thể không phải thêm một chu kỳ hoạt động khác.

Thiện Tâm

Top