Doanh nghiệp cam kết cung ứng đủ hàng hóa dịp Tết

10/01/2018 9:12 AM

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2018, nhu cầu thực phẩm của người dân Thủ đô được dự báo sẽ tăng nhẹ. Để phục vụ tốt cho người tiêu dùng Thủ đô, hầu hết các doanh nghiệp cam kết bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cũng như bình ổn giá cả trong suốt dịp trước, trong và sau Tết.

Nguồn hàng dồi dào phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết của người dân. Ảnh: Thùy Linh

Nguồn cung dồi dào

Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) đã lên kế hoạch và ký hợp đồng với nhà sản xuất để cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị trên toàn Thủ đô.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Fivimart cho biết, dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị của Công ty tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Riêng nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến sẽ tăng hơn 50% và đẩy mạnh hơn nhóm rau củ quả, nông sản trong việc liên kết vùng, đưa hàng từ các tỉnh về tiêu thụ ở Hà Nội.

“Để phục vụ người dân Thủ đô mua sắm, hệ thống siêu thị Fivimart sẽ đóng cửa vào chiều 30 Tết và đến mùng 2 Tết sẽ mở cửa trở lại nhiều điểm bán hàng”, bà Vũ Thị Hậu cho biết thêm.

Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu để đưa vào phục vụ người dân trong dịp Tết.

Không chỉ tập trung tại khu vực nội thành, Hapro sẽ thực hiện các chuyến bán hàng lưu động nhằm đưa hàng bình ổn đến các khu công nghiệp và các điểm tại ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo ra sự lan tỏa của các chương trình hàng Việt.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart cũng triển khai 446 điểm bán hàng bình ổn giá tập trung vào 16 nhóm hàng hóa phục vụ Tết để người dân thuận tiện trong việc mua sắm. Bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc vùng vận hành Vinmart miền Bắc, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thành viên tập đoàn Vingroup) cho biết, tại kho Tổng của doanh nghiệp đã dự trữ khoảng 500 tấn hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ kiểm soát chất lượng hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tại các điểm bán hàng, Vinmart cũng lắp thêm 30% quầy thu ngân và bố trí thêm nhân viên giúp quá trình mua sắm và thanh toán của người dân được thuận tiện.

Đối với doanh nghiệp cung ứng bánh kẹo, đại diện Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An cho biết, Công ty đã xây dựng 362 tỷ đồng cho doanh số với khoảng trên 3.000 tấn bánh kẹo các loại, doanh số tăng trên 20% so với năm ngoái.

“Ban Giám đốc Công ty đã chủ trương làm việc đến chiều 30 Tết để chủ động điều chuyển nguồn hàng, bảo đảm đưa hàng đến những điểm thiếu”, vị đại diện Công ty nhấn mạnh.

Tính đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết năm 2018. Hiện có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia tổ chức trên 1.300 điểm bán hàng bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, có 2 tổ chức tín dụng tham gia cho vay với tổng hạn mức đăng ký trên 2.100 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Không để lợi dụng, tăng giá bất thường dịp Tết

Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, sự chuẩn bị của Sở Công Thương và doanh nghiệp rất chu đáo, bảo đảm cung ứng một cách cao nhất nguồn hàng trong những thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

Thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian này, các doanh nghiệp liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khuyến mại, giảm giá,... nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.

Tuy nhiên, dịp giáp Tết chính là thời điểm thuận lợi để các gian thương nhỏ lẻ lợi dụng để tăng giá, trục lợi, do vậy ông Trần Duy Đông cho rằng, Thành phố cần chủ động công tác truyền thông tốt góp phần ổn định tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trườngcần tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, trong đó tập trung vào các mảng an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát tốt việc niêm yết giá, nhất là những điểm bán nhỏ lẻ để không lợi dụng tăng giá bất thường dịp tết.

Để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết, Sở Công Thương khẳng định sẽ theo dõi sát diễn biến cung-cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

“Trong vòng 3 tiếng sau khi tiếp nhận các thông tin, báo cáo về việc có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ động tham mưu và triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả”, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng thời, Sở Công Thương sẽ chịu trách nhiệm trung gian sẵn sàng đáp ứng điều phối mối quan hệ giữa sản xuất và lưu thông trên địa bàn Thành phố cũng như gắn kết với các cơ sở sản xuất tại địa bàn các tỉnh khác.

Thùy Linh

Top