Đông Anh tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

15/05/2019 4:12 PM

(Chinhphu.vn) - Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), huyện Đông Anh đã thành lập 32 đoàn kiểm tra các cơ sở, sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Trường mầm non Uy Nỗ để khu lưu trữ sữa đúng quy định. Ảnh: Thiện Tâm

Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Đông Anh cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, huyện ủy, UBND huyện và sự tích cực vào cuộc của các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện và UBND cá xã, thị trấn, công tác an toàn thực phẩm trong thời gian qua tương đối ổn định, không có ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Cụ thể, nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm,huyện Đông Anh đã chủ động thành lập 32 đoàn kiểm tra, trong đó 8 đoàn tuyến huyện và 24 đoàn liên ngành của xã, thị trấn. Đoàn kiểm tra đã chủ động tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Tổ chức giám sát và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đố với các cơ sở thuộc thẩm quyền.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được chú trọng, Trung tâm văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh đã xây dựng chuyên mục riêng về “nói không với thực phẩm giả,thực phẩm kém chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Phòng Y tế huyện phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức 02 lớp tập huấn cho 194 người tham dự về nội dung hướng dẫn giám sát, tư vấn bữa cố tập trung đông người, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm...

Từ đầu năm nay, đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra 614 cơ sở, trong đó có 120 cơ sở vi phạm và xử lý vi phạm hành chính 72 cơ sở; phạt tiền 28 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 35 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã lấy 1.415 mẫu xét nghiệm (bao gồm mẫu ruốc gà, phẩm màu, tinh bột, dấm ăn, dầu mỡ ôi khét, hàn the, methanol trong rượu...), kết quả có 132 mẫu không đạt. Các vi phạm chủ yếu gồm vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, thiếu giấy khám sức khỏe, thiếu xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, sổ kiểm thực 03 bước, sổ lưu mẫu thực phẩm. Vi phạm về thực phẩm nhập lậu và nguồn gốc thực phẩm. Kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm huyện Đông Anh còn gặp một số khó khăn như huyện chưa quy hoạch, xây dựng được khu giết mổ tập trung, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư là phổ biến, khó quản lý, kiểm soát giấy mổ gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm giết mổ không đảm bảo an toàn.

Mặc dù số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp lớn nhưng nhiều của hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chỉ hoạt động theo mùa vụ, các cơ sở này hoạt động không liên tục, thường có sự biển động, gây khó khăn cho việc quản lý. Trong khi lực lượng làm công tác kiểm tra chuyên ngành mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, xử lý vi phạm.

Cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Nhiều xã không có cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩmthuộc phạm vi ngành công thương quản lý.

Việc tổ chức kiểm tra an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn còn hạn chế, nhất là trong tổ chức Đoàn kiểm tra lĩnh vực nông nghiệp, công thương. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các xã, thị trấn còn nể nang, chủ yếu là nhắc nhở.

Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau Tháng hành động, theo bà Nguyễn Thị Tám, huyện Đông Anh tiếp tục tăng cường công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

Tiếp tục tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh rau thịt và các sản phẩm từ rau thịt, sản xuất, kinh doanh nước đóng chai (bình), nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền trên địa bàn. Triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức và các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp giữa UBND huyện,... Trong việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiếm thức về an toàn thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm, xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công thương. Từng bước xây dựng các mô hình sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Xây dựng nhận dạng nguồn gốc bằng phần mềm Qr- code theo quy định. Tổ chức kiểm tra công vụ đối với các đơn vị không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Minh Nhung

Top