Đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường các con sông

16/09/2019 2:30 PM

(Chinhphu.vn) – Tăng cường giám sát, xử lý vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các dự án công trình xử lý nước thải những giải pháp ưu tiên của Hà Nội nhằm bảo vệ môi trường cho các con sông trên địa bàn thành phố như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Sét, Cầu Bây…

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước theo thẩm quyền tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xả nước thải ra môi trường đặc biệt là các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm cao nằm ngoài Khu, cụm công nghiệp tập trung; kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định, cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; yêu cầu các cơ sở phải thực hiện các biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải ra sông, kênh, mương; áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hành vi xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm vào kênh, mương. 

Cùng với đó, Hà Nội cũng tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

Về lâu dài, việc hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thoát nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần đảm bảo thu gom triệt để, tách nước thải để xử lý tập trung nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước các con sông. 

Đối với sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu, trên cơ sở kết quả triển khai dự án thoát nước Thành phố giai đoạn I và II, trước mắt Hà Nội tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, Cầu Bây.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nội thành: Trạm xử lý nước thải Hồ Tây (công suất 86.000 m3/ngày.đêm; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm nhằm khắc phục ô nhiễm nước sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và 1 phần sông Nhuệ; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô điều chỉnh công suất từ 84.000 m3/ngày.đêm lên 98.000 m3/ngày đêm; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (Gồm một phần quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực Hà Đông và Sơn Tây đã hoàn thành công tác nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Đối với sông Nhuệ - sông Đáy, Hà Nội triển khai từng bước chương trình thu gom và xử lý nước thải của thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn từ 2016 – 2020. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cải tạo, nạo vét trục chính sông Nhuệ đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt .

Đồng thời chủ động đẩy nhanh việc triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ -Đáy; tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và công tác quan trắc môi trường nói chung và chất lượng nước mặt sông Nhuệ, sông Đáy nói riêng; đồng thời tiếp tục đẩy nhanh triển khai dự án Đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động (nước thải) tại các khu vực trọng yếu như: các sông, hồ chính, vùng giáp ranh, các nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tiếp tục đẩy nhanh triển khai xây dựng các dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải trên lưu vực.

Đối với sông Cầu Bây, Thành phố vận hành ổn định trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am, thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội nhằm theo dõi liên tục chất lượng nước sông Cầu Bây; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Theo đó, sở đề xuất dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng công suất là 31.500m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải An Lạc công suất 29.600m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Ngọc Thụy công suất 22.000 m3/ngày đêm nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây. Hệ thống thu gom toàn bộ nước thải trên các lưu vực Long Biên 2, Long Biên 3 thuộc địa bàn các phường Giang Biên, Việt Hưng, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Sài Đồng, Đức Giang, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Gia Thụy, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối thuộc quận Long Biên. 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án này khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết cơ bản tổng lượng nước thải phát sinh cần xử lý trên địa bàn quận Long Biên và cải thiện chất lượng môi trường nước sông Cầu Bây. 

Minh Anh

Top