Đồng bộ các giải pháp để tăng trưởng tín dụng

21/05/2019 2:32 PM

(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh thành phố Hà Nội, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đảm bảo đáp ứng thực hiện cấp tín dụng và chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Dự kiến đến 31/5/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 3.251.528 tỷ đồng, tăng 4,88% so với 31/12/2018.

Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 5,16%, tiền gửi thanh toán tăng 5,08%; tiền gửi VND tăng 5,86% và tiền gửi ngoại tệ tăng 0,62% so với cuối năm 2018.

Trong tháng 5, Các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện kế hoạch kinh doanh, các biện pháp tăng trưởng tín dụng năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương định hướng của Chính phủ, NHNN Việt Nam để đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, quy trình cho vay vốn theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Dự kiến đến 31/5/2019, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt 1.959.874 tỷ đồng, tăng 4,75% so với 31/12/2018. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.741.131 tỷ đồng chiếm 88,83% và tăng 5,32%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 4,82%, dư nợ trung và dài hạn tăng 4,7%; dư nợ VND tăng 5,05%, dư nợ ngoại tệ tăng 2,8% so với 31/12/2018.

Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 147.126 tỷ đồng, chiếm 8,45%; dư  nợ cho vay DNNVV đạt 318.401 tỷ đồng, chiếm 18,29%; cho vay chính sách xã hội đạt 7.469 tỷ đồng, chiếm 0,43%; cho vay xuất khẩu đạt 165.442 tỷ đồng, chiếm 9,5%.

Kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là 690.760 tỷ đồng, dư nợ đạt 528.130 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với vay trung và dài hạn.

Nhìn chung, các TCTD chú trọng kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả; tích cực và chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm, thu từ khách hàng trả nợ. Các TCTD cũng luôn chú trọng trong việc quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, tích cực cơ cấu lại tài sản có, tài sản nợ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.

Minh Anh

Top