Đồng bộ nhiều giải pháp siết chặt quản lý khoáng sản

10/03/2018 2:46 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiểm soát, xử lý nghiêm. Tuy nhiên, những vi phạm trong hoạt động này vẫn diễn ra, nhất là hoạt động liên quan đến quản lý bãi chứa, trung chuyển vật liệu ven sông. Vì thế, đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp siết chặt công tác quản lý khoáng sản.

Hoạt động khai thác cát không được cấp phép thường xuyên diễn ra-Ảnh: Internet

Vẫn còn nhiều vi phạm

Kết quả kiểm tra hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn thành phố, trên địa bàn thành phố có 239 điểm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, trên tổng diện tích 262,61ha, trong đó, có 162 điểm ven sông Hồng, 42 điểm ven sông Đuống, 7 điểm ven sông Đà, 7 điểm ven sông Đáy, 16 điểm ven sông Công, 3 điểm ven sông Cầu, 2 điểm ven sông Cà Lồ. Phần lớn, các bãi chứa vật liệu xây dựng của tổ chức, cá nhân thuê đất với địa phương cấp xã, chỉ có 34 bãi chứa đã ký hợp đồng thuê đất với thành phố, 2 bãi chứa ký với quận, huyện. Tình trạng này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng, làm thất thu nguồn thu ngân sách nhà nước và gây ảnh hưởng đê đê điều, lòng sông, ô nhiễm môi trường...

Kết quả kiểm tra hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với 51 tổ chức, cá nhân trên địa bàn các quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Long Biên, Bắc Từ Liêm và thị xã Sơn Tây trong năm qua cho thấy, việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai, có 5/51 đơn vị có thủ tục pháp lý về đất đai (được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, ký hợp đồng thuê đất làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng) với tổng diện tích 105.289 m2, chiếm 16,5% tổng diện tích được kiểm tra. Các đơn vị này thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất với Nhà nước theo quy định.

Có 3/51 đơn vị có một phần hoặc toàn bộ diện tích đất bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng là đất ở của hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích 7.360 m2, chiếm 1,2% tổng diện tích được kiểm tra.

Có 43 đơn vị hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép trên diện tích đất công ích do UBND cấp xã quản lý hoặc đất được giao cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích 527.066 m2, chiếm 82,4% tổng diện tích được kiểm tra. Trong số đó có 38 đơn vị đang sử dụng đất bãi ven sông thuộc đất công ích do UBND cấp xã quản lý, nhưng tại thời điểm kiểm tra không có hợp đồng thuê đất với UBND cấp xã.

Hằng năm, nhất là vào mùa lũ, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. UBND các xã, phường, thị trấn ra văn bản đôn đốc các đơn vị tự giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi, một số địa phương thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoạt động trái phép như lập barie, đổ vật liệu chặn đường vận chuyển... Tuy nhiên, các biện pháp nêu trên chỉ hạn chế được hoạt động bãi chứa trái phép trong thời điểm nhất định, sau đó tình trạng vi phạm vẫn tái diễn. Theo kết quả kiểm tra, không có UBND xã, phường, thị trấn nào thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính về đất đai cũng như áp dụng các biện pháp quyết liệt để cưỡng chế giải tỏa vật liệu xây dựng, trả lại mặt bằng để sử dụng đúng mục đích.

Nhìn chung, các đơn vị hoạt động bãi chứa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất đều thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Các đơn vị hoạt động bãi chứa trái phép được kiểm tra đều không có thủ tục pháp lý về môi trường. Trong quá trình hoạt động kinh doanh trung chuyển vật liệu xây dựng thường phát thải bụi ra không khí khu vực xung quanh. Các đơn vị thường áp dụng biện pháp tưới nước dập bụi trên các tuyến đường vận chuyển nội bộ, nhưng vì các đơn vị hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép không thực hiện quan trắc nên khó kiểm soát ô nhiễm không khí do hoạt động trung chuyển gây ra...

Cần siết chặt quản lý

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, cá nhân, chính quyền cơ sở nơi có lưu vực sông chảy qua thưc hiện nghiêm công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Đồng thời, chủ động, đôn đốc, phối hợp tăng cường kiểm tra, rà soát để ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác khoáng sản trái phép; siết chặt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm....

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo yêu cầu các đơn vị khắc phục hạn chế, tồn tại, chấp hành đúng nội dung giấy phép đã được cấp và quy hoạch của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản...

Để tăng cường quản lý hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, giải quyết dứt điểm tình trạng hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trái phép và đưa hoạt động này vào nề nếp, đúng pháp luật, vấn đề đặt ra là chính quyền cấp xã cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc xử lý vi phạm trong việc chiếm đất, sử dụng sai mục đích đất bãi ven sông hoạt động bãi chứa theo quy định của pháp luật về đất đai; kiên quyết thực hiện cưỡng chế giải tỏa vật liệu xây dựng trên bãi chứa đối với các đơn vị hoạt động trái phép mà không chấp hành tự giải tỏa.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý đất bãi ven sông, về hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn không bị xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời cần giao Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý các phương tiện đường thủy hoạt động trên địa bàn, xử lý nghiêm hoạt động bến thủy nội địa trái phép để kịp thời ngăn chặn việc đưa vật liệu xây dựng lên bãi chứa hoạt động trái phép.

Sở Công Thương cần chỉ đạo kiểm tra và xử lý nghiêm việc kinh doanh tàng trữ cát đen không rõ nguồn gốc (cát do khải thác trái phép) của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Cục Thuế thành phố tăng cường công tác quản lý thu tiền thuê đất.

Đồng thời phối hợp rà soát theo hiện trạng về diện tích và mục đích sử dụng đất bãi ven sông. Trên cơ sở đó phối hợp với sở, ngành liên quan xác định mức thu đối với tổ chức, cá nhân đã và đang sử dụng đất làm bãi chứa trái phép để thực hiện truy thu nghĩa vụ tài chính.

Với những giải pháp nêu trên, chắc chắn công tác quản lý khai thác khoảng sản, trong đó có hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu ven sông trên địa bàn ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô bền vững...

Theo Hanoi Potal

Top