Đồng bộ, toàn diện các giải pháp thí điểm mô hình chính quyền đô thị

02/02/2020 6:50 PM

(Chinhphu.vn) - Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được Quốc hội thông qua là một trong 10 sự kiện nổi bật của TP. Hà Nội trong năm 2019. Sang năm 2020, các cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đang quyết tâm để triển khai hiệu quả mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố.

Tinh gọn bộ máy

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thứ XIV, Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Để có kết quả này, Hà Nội đã khẩn trương xây dựng bài bản, nghiêm túc “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” với nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết đặt ra từ thực tiễn.

Năm 2019, Thành phố tập trung chỉ đạo hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, Thành ủy đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan Trung ương và Thành phố để tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án. Ngày 05/4/2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã báo cáo, trình xin ý kiến của Bộ Chính trị về dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Bộ Chính trị đánh giá cao Đề án do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trình, Đề án được chuẩn bị công phu, khoa học, đề xuất nhiều nội dung đổi mới về cơ chế và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị và thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 46-KL/TW, ngày 19/4/2019, cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án, giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo quy định và tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự thảo và ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Mục tiêu mà "Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội" hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân đặt ra, của đô thị đặt ra.

Nghị quyết sau khi được tiếp thu chỉnh lý gồm 9 điều, quyết nghị tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các phường thuộc khu vực đô thị (quận, thị xã) của Hà Nội. Chính quyền địa phương ở TP. Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP. Hà Nội là UBND phường.

UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã. Mô hình này được thực hiện từ 1/7/2021 đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thí điểm.

Chuẩn bị kỹ để triển khai thí điểm

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri bày tỏ sự nhất trí việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Cử tri cho đây là yêu cầu cần thiết, đúng hướng khi Thành phố đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên để triển khai, các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đối với cấp cơ sở, tạo nhận thức thấu đáo, đồng thuận khi thí điểm đề án.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thành phố đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Nghị quyết, trong đó sẽ định nghĩa rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp quận theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, hạn chế tối đa chi phí, thời gian của người dân.

Nội dung tiếp theo của Nghị quyết là việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền để các cấp phát huy năng lực của hệ thống, giải quyết được các vấn đề của địa phương.

Bí thư quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng năm 2019, Hà Nội đã đạt được thành quả quan trọng, đồng bộ, toàn diện trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, đặc biệt là có đột phá trong nghiên cứu tổ chức đề án chính quyền đô thị được Quốc hội thông qua và có kế hoạch triển khai thí điểm trong năm 2020.

Theo Bí thư quận Hoàn Kiếm, việc xây dựng đề án chính quyền đô thị có tính chiến lược quan trọng, có tính đột phá trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động, tinh gọn theo đúng chủ trương của đảng, nhà nước. Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của Hà Nội năm 2019.

Trên cơ sở này, năm 2020 Thành phố đã đặt ra phương hướng, nhiệm vụ, chuẩn bị hết sức kỹ cho việc triển khai đề án thí điểm chính quyền đô thị. Trên cơ sở kết quả này, năm 2020 phải chuẩn bị hết sức kỹ cho đề án này. Hết tháng 6/2021, Hà Nội sẽ vận hành theo đề án, Bí thư quận Hoàn Kiếm nhận định phải chuẩn bị kỹ, để chuẩn bị cho việc thí điểm đề án.

Theo Thành ủy Hà Nội, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp; đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương với Thành phố; giữa Thành phố với các cấp chính quyền cơ sở; tạo sự chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp Thành phố trong thực hiện Nghị quyết 97/2019/QH14.

Đồng thời xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc cụ thể, cách thức tiến hành, thời gian, tiến độ hoàn thành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị của Thành phố.

Trong đó, Thành phố tập trung nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế, tài chính, ngân sách, đất đai...; triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn, đảm bảo phải giữ vững ổn định chính trị, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai thực hiện.

Hòa An

Top