Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó trước tác động của dịch Covid-19

05/03/2020 6:35 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 5/3, Sở Công Thương TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tập trung bàn các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành Công Thương TP. Hà Nội trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Linh

Nhiều kịch bản thúc đẩy sản xuất kinh doanh trước dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế không chỉ của các quốc gia tâm dịch mà trên phạm vi toàn cầu. Do tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa kinh tế các nước trong thời kỳ hội nhập, hoạt động ngoại thương của Việt Nam và TP. Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay cũng chịu tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 của Hà Nội đạt 1.728 triệu USD, giảm 19%. Kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2020 của Thành phố đạt 3.711 triệu USD, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 20,9% và nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm 15,8%.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô hiện rất quan tâm và lo lắng trước những tác động của dịch bệnh cùng những ảnh hưởng tiêu cực đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước. Trong đó tác động lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất khi tình hình nguyên vật liệu để sản xuất như da giầy, may mặc,… đang có nguy cơ thiếu hụt, do đa phần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc…

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Thành phố đã đề ra, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu năm 2020. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đã nêu rõ 3 kịch bản. Cụ thể, nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trong quý I, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra; dự kiến kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 20%; quý II tăng 13,5%; quý III tăng 15%; quý IV tăng 14,5%, cả năm tăng 8% (đạt chỉ tiêu kế hoạch).

Nếu quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch; dự kiến kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 20%; quý II tăng 11%, quý III tăng 13%, quý IV tăng 12%, cả năm tăng 6,5% (thấp hơn kế hoạch 1,5%).

Nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch; dự kiến kim ngạch xuất khẩu quý I giảm 20%; quý II tăng 4%, quý III tăng 6%, quý IV tăng 4,8%, cả năm bằng với năm 2019, tăng 0% (thấp hơn kế hoạch 8%).

Trên cơ sở Sở Công Thương đã xây dựng 3 kịch bản, tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, với nhiệm vụ đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 8% như kịch bản 1. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi, trong thời gian tới, Sở Công Thương cần phối hợp với các Sở, ngành, Hiệp hội thông tin đến doanh nghiệp về tình hình thị trường xuất khẩu tiềm năng thay thế thị trường Trung Quốc cũng như những lợi ích mà các FTA mang lại, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA). Qua đó xây dựng kế hoạch chuẩn bị khai thác và tận dụng hiệu quả lợi ích mang lại ngay khi các hiệp định có hiệu lực.

Doanh nghiệp kiến nghị các giải pháp hỗ trợ

Để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua ‘bão’ Covid-19, qua đó thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô, các doanh nghiệp dự Hội nghị có chung đề xuất như thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các ban ngành liên quan lập Cổng thông tin trực tuyến thu thập, nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ; tiếp tục có các chương trình giảm giá, kích cầu những mặt hàng thiết yếu; miễn thuế, phí, xem loại phí nào có thể giảm cho doanh nghiệp thì nên giảm ngay. Đồng thời hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay…

Ông Phạm Khắc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội chia sẻ, đối với làng nghề thủ công mỹ nghệ dùng nguyên liệu trong nước thì không ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 nhưng các làng nghề nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài (Trung Quốc) thì bị ảnh hưởng rất nhiều, điển hình làng nghề da giày Phú Xuyên chỉ còn nguyên liệu sản xuất cho khoảng 2 tháng nữa.

Bên cạnh đó, một số làng nghề xuất khẩu như làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề gốm Bát Tràng... gần như bị đình lại, với năng lực sản xuất, nhất là nhân công lao động bị giảm bớt, do đó các doanh nghiệp này cũng phải sản xuất cầm chừng. Một số doanh nghiệp chủ yếu về kinh doanh cũng bị hạn chế, do khách đến tham quan mua sắm giảm đến 80% như làng nghề Vạn Phúc, làng nghề Đa Sỹ... Do đó, ông Hà kiến nghị cần tăng cường các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước sau khi kết thúc dịch bệnh; tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, nhất là kết hợp với các đơn vị du lịch lữ hành; hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục sản xuất trong thời gian tới.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Big C Thăng Long chia sẻ, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp phân phối hàng hóa với Big C. Qua đó kiến nghị các cơ quan, ban, ngành của TP. Hà Nội tới đây sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp vào hệ thống bán lẻ hiện đại; có nhiều chính nhà cung cấp uy tín mới, giúp người dân có thể yên tâm về nguồn cung hàng hóa, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhu cầu cao này.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công Thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử, ...); rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Nga, châu Mỹ Latin, châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, các hiệp hội ngành hàng tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực: hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng.

Đặc biệt, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác để giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các tỉnh, thành để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Về phía các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.

Thùy Linh

Top