Động lực thúc đẩy công nghiệp, thương mại Thủ đô

09/09/2019 11:34 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội luôn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các dịch vụ công, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy công nghiệp và thương mại Thủ đô phát triển.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, Sở luôn đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; động viên doanh nghiệp khắc phục khó khăn, chủ động trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tích cực thực hiện các giải pháp như triệt để tiết kiệm vật tư, nhiên liệu; tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; đổi mới công nghệ; tìm kiếm thị trường mới… Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019 chuyển động theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) 8 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 8 đạt 231 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm đạt 1.789,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2019 đạt 10.719 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2019 là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1.710 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ; hàng dệt, may đạt 1.414 triệu USD, tăng 18,6%; máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 1.173 triệu USD, tăng 4,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 909 triệu USD, tăng 26,8%.

Cùng với đó, nhằm tạo thuận lợi cho công nghiệp phát triển, Sở đã chủ động phối hợp với các quận, huyện, thị xã hoàn thành thẩm định, trình UBND thành phố xem xét thành lập, mở rộng 17 cụm công nghiệp; làm việc với các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc tại các cụm công nghiệp làng nghề.

Đồng thời, tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ chức 15 lớp tập huấn quản trị marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm, kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ doanh nghiệp, chủ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã; hỗ trợ truyền nghề thủ công mỹ nghệ, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất.

Trong công tác quản lý chợ, Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Đề án quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025; rà soát 18 chợ có đủ điều kiện trình thành phố Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2019. Sở cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại huyện Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Ba Vì, Đan Phượng. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 167/454 chợ.

Công tác quản lý và phát triển thương mại điện tử được Sở Công Thương đặc biệt coi trọng. Sở đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR (Quick response code) hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại.

Đồng thời với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bãi bỏ TTHC đúng quy định, Sở cũng kịp thời sửa, ban hành lại quy trình để bảo đảm hiệu lực của hệ thống. Chất lượng cung cấp dịch vụ công của Sở Công Thương ngày càng được nâng cao với các TTHC được cải cách theo hướng tinh gọn, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí. Nhờ vậy, 100% hồ sơ được Sở giải quyết trước đúng thời gian quy định và rút ngắn thời gian thực hiện từ 20-30% so với quy định.

Đến nay, theo khảo sát, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở Công Thương Hà Nội đã đạt từ 90% trở lên. Sở cũng mở nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ và tham mưu các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Lê Hồng Thăng, công tác cải cách hành chính của Sở Công Thương Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn, do phạm vi quản lý nhà nước của ngành Công Thương rất rộng, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhiều và thường xuyên thay đổi. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức giải quyết TTHC của Sở Công Thương cũng như Phòng Kinh tế các quận, huyện hiện nay có khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, thuộc nhiều lĩnh vực; số lượng hồ sơ lớn nên nhiều lúc gây ra tình trạng quá tải với cán bộ…

Để khắc phục những tồn tại này, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh rà soát các TTHC để sửa đổi cho phù hợp; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục duy trì và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cung ứng các dịch vụ công cho tổ chức và cá nhân với chất lượng tốt nhất, nhằm ngày càng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tốt hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển.

Diệu Anh

Top