Dự kiến đạt và vượt 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018

28/11/2018 9:34 AM

(Chinhphu.vn) - Thành ủy Hà Nội đánh giá Thành phố đã chọn đúng chủ đề năm 2018 là "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", dự kiến tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu đặt ra.

Hội nghị lần thứ 16 BCH Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVI-Ảnh: Gia Huy

Tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,37%

Tại Hội nghị lần thứ 16 BCH Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVI tổ chức sáng nay (28/9), Thành ủy Hà Nội cho biết, tất cả 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 dự kiến đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch: Kim ngạch xuất khẩu, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tỷ lệ lao động qua đào tạo, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng khá và phát triển đúng hướng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các cân đối lớn về kinh tế được đảm bảo, tạo nguồn lực cho phát triển. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước 7,37%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (mức dự kiến là 6,7%); quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 904,5 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 113 triệu đồng, tương đương 4.910 USD.

Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ước đạt 6,5 tỷ USD, tăng 189% so với năm 2017 và tăng 185% so với kế hoạch năm. Con số này khiến Hà Nội dự kiến đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Số dự án đầu tư còn hiệu lực là 4.350 dự án với tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ USD.

Kết quả này là do môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố tiếp tục được cải thiện, Thành phố tích cực tháo gỡ khó khăn, khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, tạo môi trường để thu hút đầu tư.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng đánh giá, cơ cấu kinh tế năm 2018 chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (dự kiến tỷ trọng ngành dịch vụ và thuế sản phẩm là 67,3%; công nghiệp, xây dựng 29,9%; nông, lâm, thủy sản là 2,8%).

Các ngành, lĩnh vực đều phát triển, cụ thể là các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại tiếp tục được khuyến khích phát triển; du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhất là khách du lịch quốc tế (tăng 16% và đạt 5,74 triệu lượt), về đích trước 2 năm về chỉ tiêu khách du lịch quốc tế; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục phát triển; chất lượng nông sản được cải thiện, hệ thống chuỗi liên kết được mở rộng.

Theo ông Lê Hồng Thăng, riêng KCN cao Hòa Lạc hiện đã thu hút 89 dự án đầu tư FDI, trong đó có 47 dự án đầu tư đi vào hoạt động. Đây là kết quả tích cực, phù hợp với xu hướng Hà Nội tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao. Về cụm công nghiệp, đã có quyết định đầu tư 5 cụm với diện tích 60 ha, đồng thời hiện nay đang thẩm định 9 cụm công nghiệp (trong đó có 3 cụm tập trung tại Chương Mỹ, Sơn Tây, Phúc Thọ).

Chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính

Theo Thành ủy Hà Nội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế; kỷ cương hành chính được củng cố, chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao.

Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã cung cung ứng dịch vụ công. Qua rà soát, Hà Nội đã đơn giản hóa đối với 61 TTHC thuộc 7 lĩnh vực quản lý nhà nước.

Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, tính từ tháng 8/2017 đến 31/7/2018 đã có 1.074 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Hà Nội hiện có trên 121 nghìn công chức, viên chức, còn thiếu so với biên chế được giao trên 22 nghìn người.

Thành phố hiện đã nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; đề án thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo chủ chốt tại các quận, huyện, thị xã; thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Sở, cấp phòng; đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống cơ quan hành chính các cấp" giai đoạn 2017-2020; đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.

Hà Nội đã thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (hàng tuần, tháng, quý, năm) tới từng cán bộ, công chức theo đúng đề án vị trí việc làm. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết công việc, nâng cao sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.

Gia Huy

Top