Du lịch nông nghiệp: Tạo ‘sức sống’ cho vùng ngoại thành

29/08/2021 6:58 PM

(Chinhphu.vn) – Mỗi khi đến Hà Nội, các du khách thường nhớ tới các sản phẩm văn hóa, ẩm thực mà ít nhớ ra Hà Nội còn có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp. Điều này đòi hỏi ngành du lịch Thủ đô cần thúc đẩy mảng du lịch nông nghiệp, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa góp phần tạo thêm sức sống cho các vùng ngoại thành.

Khu sinh thái Đan Phượng đang là điểm đến hấp dẫn với du khách. Ảnh: Thành Nam

Thời gian gần đây, trên trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Đây là những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên.

Trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, trang trại Đồng Quê (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) thu hút rất đông du khách, đặc biệt là học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại cho biết đã đầu tư 8 tỷ đồng để xây dựng mô hình trang trại mang đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ. Trên diện tích 2ha, trang trại có nhiều hoạt động như: Trải nghiệm cách nuôi ong lấy mật; hái và sao chè khô; nuôi đà điểu, dê, thỏ; trồng và hái các loại rau rừng; cấy lúa, úp nơm, bắt cá… Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đón khách tham quan, mỗi năm, trang trại đón hàng chục nghìn lượt du khách, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm không chỉ được biết tới là quê hương của Thánh Gióng với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Thánh Gióng và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Lễ hội Gióng, mà còn là làng nghề trồng hoa cây cảnh đã được thành phố Hà Nội công nhận.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt, hướng phát triển du lịch của Phù Đổng hiện nay dựa trên cơ sở khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan của xã, sẽ tạo một vòng khép kín cho du khách tham quan. Du khách có thể trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh, thăm làng hoa giấy, cảnh quan sinh thái, du lịch đồng ruộng, thưởng thức ẩm thực Phù Đổng. Hướng đi này kỳ vọng thu hút nhiều du khách đến với Phù Đổng.

Còn tại huyện Đan Phượng, địa phương đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới, du lịch cũng được xác định là định hướng mới. Đan Phượng có tiềm năng du lịch lớn. Xu hướng hiện nay của mọi người là đi du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch ngắn ngày thì Đan Phượng là một trong những địa điểm hấp dẫn đối với người Hà Nội. Đan Phượng có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh… Trong đó, du lịch trải nghiệm tại các vùng nông thôn, vùng sinh thái đang là xu hướng nổi lên hiện nay. Với diện tích lớn dành cho canh tác nông nghiệp và trồng hoa, các loại hình trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là thế mạnh của huyện Đan Phượng.

Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất… ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả. Có thể thấy, phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng mới cho nhiều vùng ngoại thành Hà Nội.

Mang khí thế mới cho ngành du lịch nông thôn

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội cho rằng, để phát triển du lịch nông nghiệp thành sản phẩm mang tính đặc trưng của du lịch Thủ đô, cần giữ gìn những giá trị bản địa để tạo nên nét đặc thù riêng cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp Hà Nội, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa địa phương và lợi thế, tiềm năng du lịch làng nghề của Thủ đô. 

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng Đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội như các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn... có cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nông nghiệp Hà Nội.

Do vậy, phát triển du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế-xã hội cho Thủ đô, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch Hà Nội phát triển sau đại dịch COVID-19 mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, giảm áp lực di cư vào Thành phố, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

Hiện, Sở Du lịch TP. Hà Nội đang xây dựng dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo kiều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển. Khi kế hoạch hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, sau khi dịch bệnh được khống chế, phục hồi du lịch Thủ đô, du lịch nông nghiệp kỳ vọng mang đến khí thế mới cho du lịch vùng ngoại thành nói riêng và du lịch Thủ đô nói chung.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống; xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề.

Cụ thể, Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP của Thành phố.

Thành Nam

Top