Đưa hàng Việt về các khu công nghiệp, khu chế xuất

12/09/2018 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, ngành Công thương đã đưa hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng về nông thôn, các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX); đáp ứng được nhu cầu mua sắm của công nhân, đồng thời tạo kênh phân phối cho doanh nghiệp nhằm kích cầu tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã chủ trì và phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhằm tìm kiếm đầu ra ổn định và bền vững cho hàng hóa có chất lượng được sản xuất trong nước, hỗ trợ cung ứng hàng hóa theo hướng bền vững.

Đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng hóa có chất lượng và có giá thành cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai các phiên chợ hàng Việt, chuyến hàng lưu động về phục vụ người lao động làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp đã đạt được hiệu quả cao.

Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, KCN, KCX nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã tiếp cận người tiêu dùng tại thị trường trong nước; quảng bá tới người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hưởng ứng phát động của Bộ Công Thương, nhiều địa phương trên cả nước đã lồng ghép các hoạt động đưa hàng hóa về KCN, KCX vào chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý cho người lao động, đặc biệt là công nhân có thu nhập thấp.

Đơn cử, theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2016, đã có hơn 300 chuyến bán hàng lưu động được tổ chức tại 18 huyện, thị xã và các KCN như Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Kim Chung... Năm 2017, Hà Nội tiếp tục tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động về các huyện, thị xã, KCN, KCX... Trong đó, riêng dịp Tết Mậu Tuất đã có 100 chuyến bán hàng được tổ chức thành công đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của người dân, công nhân.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) hiện có 2 siêu thị Hapromart tại khu nhà ở công nhân Kim Chung trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), bày bán khoảng 10 nghìn mặt hàng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng, thực phẩm tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng bình ổn giá phục vụ đời sống công nhân và nhân dân sống quanh khu vực này. Bên cạnh đó, Hapro cũng tổ chức Hội chợ Tết phục vụ người lao động và triển khai nhiều chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành Hà Nội, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Trang, công nhân Khu công nghiệp Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, trước đây khi chưa có siêu thị Hapromart tại KCN, mỗi khi nghe có bán hàng Việt tại các KCN là chị đều đến mua. Bởi lẽ, hàng hóa bán tại đây không chỉ bảo đảm chất lượng, mà luôn rẻ hơn thị trường. Quan trọng nhất là chị có thêm thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điểm bán tại các KCN, KCX

Để có thể triển khai thành công việc đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, một trong những trọng tâm cần chú ý, theo nhiều doanh nghiệp, đó là họ cần biết được người lao động mong muốn điều gì, cần gì ở hàng hóa mà các nhà bán lẻ cung cấp. Ngược lại, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cần được thông tin rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà họ có được từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.

Đại diện Hapro cho biết, để chương trình cung ứng hàng Việt cho người công nhân đạt được hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người lao động, nên có sự trao đổi cụ thể với công đoàn cơ sở và ban quản lý các KCN, KCX để tuyên truyền rộng rãi thông tin về chương trình.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tiêu dùng hàng Việt của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chương trình Phiên chợ hàng Việt, chuyến xe lưu động đưa hàng Việt đến các khu công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, xây dựng những điểm bán hàng cố định tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiêu chí cung ứng hàng hóa 100% là hàng Việt, bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, phù hợp thu nhập của công nhân.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp bán hàng lưu động tại các KCN, KCX thì Ban Quản lý KCN, KCX cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được mặt bằng cố định để bố trí bán hàng; đưa hàng Việt vào các bữa ăn của công nhân, lao động; đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng trong thời gian nhất định.

Diệu Anh

Top