Đưa hàng Việt về nông thôn: Cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

27/01/2017 9:20 AM

(Chinhphu.vn) - Các phiên chợ hàng Việt không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng Tết cho người dân nông thôn, mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tận dụng mở rộng thị trường, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Kim Liên

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

Thưa bà, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, dịp cuối năm 2016, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức bao nhiêu điểm bán hàng phục vụ người dân?

Bà Trần Thị Phương Lan: Việc triển khai đưa hàng Việt về nông thôn, trong năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức triển khai sâu rộng rất nhiều chương trình với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức Tuần hàng Việt về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp; tổ chức các phiên chợ Việt, đưa hàng xuống tận các xã để phục vụ người dân ở trên địa bàn, các vùng ngoại thành.

Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức hơn 300 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, khu công nghiệp Kim Chung - Đông Anh (Hà Nội)... Tổ chức 22 phiên chợ Việt và hơn 100 các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiếp cận, mua sắm hàng hóa, nhất là hàng Việt của người dân nông thôn.

Để bình ổn thị trường và phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đối với các quận nội thành, đã có 12 doanh nghiệp tổ chức các hội chợ phục vụ nhân dân. Đối với các huyện ngoại thành, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, thị xã Sơn Tây và Khu công nghiệp Đông Anh tổ chức 5 hội chợ Tết và hơn 100 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.

Để hàng Việt chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, theo bà các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những tiêu chí gì? Doanh nghiệp và người dân hưởng ứng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn như thế nào?

Bà Trần Thị Phương Lan: Để hàng Việt chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý.

Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý và thực hiện các chương trình dịch vụ bán hàng, hậu khuyến mại phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng Việt về nông thôn rất tích cực tham gia hưởng ứng, đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp có những sản phẩm mới tung ra thị trường, họ rất mong muốn được giới thiệu tới người tiêu dùng trên Thủ đô, trong đó có thị trường nông thôn. Bởi các sản phẩm hàng hóa cung ứng chủ yếu là các mặt hàng đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân. Do đó các chương trình này đã thu hút được rất đông người dân đến tham quan, mua sắm, giúp các doanh nghệp có thể quảng bá được những thương hiệu Việt của mình ở trên địa bàn.

Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn?

Bà Trần Thị Phương Lan: Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thực sự mang lại hiệu quả rất lớn. Thứ nhất, người dân ở những vùng ngoại thành ít có điều kiện đi vào vùng trung tâm mua sắm hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của mình mà chủ yếu mua sắm hàng hóa được các nhà sản xuất kinh doanh phục vụ tại địa phương, cho nên những mặt hàng chưa đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được hết nhu cầu mua sắm của người dân. Do đó, việc đưa hàng về nông thôn giúp cho người dân không phải đi lại vất vả, mà có thể tiếp cận được với những hàng hóa đáp ứng đúng nhu cầu của mình.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng có những điều kiện để quảng bá sản phẩm của mình thông qua Chương trình này đến tận tay những người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là những người tiêu dùng ở vùng ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, Chương trình cũng giúp cho Thành phố đẩy mạnh được việc bình ổn thị trường ở trên cả những vùng trung tâm cũng như vùng ngoại thành, xa trung tâm thành phố.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Người dân khu vực nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Vậy theo bà, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong năm qua còn có những hạn chế gì và thời gian tới cần khắc phục như thế nào để nâng cao hiệu quả của Chương trình?

Bà Trần Thị Phương Lan: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như những doanh nghiệp có thương hiệu rồi thì cũng không còn mặn mà vì họ đã có những hệ thống phân phối rộng khắp trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình này với mục đích thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, chủ yếu là phục vụ người dân và đưa những sản phẩm đến tay người tiêu dùng với những hàng hóa chất lượng và giá khuyến mại hấp dẫn nhất, do đó hiệu quả cho các doanh nghiệp thì hầu như không có.

Để doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, tham gia Chương trình, thời gian qua, Thành phố cũng rất quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được hỗ trợ trong các công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ một phần kinh phí dàn dựng gian hàng để tổ chức ở các địa phương.

Tuy nhiên, để những chuyến hàng Việt về nông thôn đạt kết quả tốt hơn, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Kim Liên (t/h)

Top