Đừng để người tiêu dùng hoài nghi thực phẩm sạch

18/06/2016 11:00 AM

(Chinhphu.vn) – Trước đầy rẫy thông tin về thực phẩm bẩn đe dọa đến sức khỏe người dân, tại Hà Nội đã có nhiều cửa hàng xuất hiện với các quảng cáo như “thực phẩm sạch”, “thực phẩm an toàn”... Tuy nhiên nếu việc quản lý chất lượng các cửa hàng này bị buông lỏng thì có thể khiến người tiêu dùng mất niềm tin hoàn toàn vào các loại thực phẩm nội địa hiện nay.

Nhiều thương hiệu thực phẩm sạch đang có chiến lược xây dựng thương hiệu từ chính lòng tin người tiêu dùng. Ảnh: Đỗ Hương

Cứ giá cao là... an toàn?

Hiện nay, ở Hà Nội xuất hiện khá nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản, gia cầm, thủy sản “treo biển” sản phẩm sạch, an toàn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về mức độ “sạch, an toàn” của các cơ sở này. Có cửa hàng có những chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng nhưng có những cửa hàng người mua tìm đến vì cảm quan nhìn sạch sẽ và giá thực phẩm tương đối cao so với chợ dân sinh... Theo lý giải của chị Nguyễn Hoa Lan (Trung Hòa, Nhân Chính): “Thực phẩm tiền nào của nấy, tôi nghĩ giá cao hơn là do các công đoạn kỹ thuật phức tạp hơn, để bỏ ra thêm chút tiền mua sự an tâm, an toàn thì cũng không đáng ngại”.

Lý giải của chị Lan không hề sai, tuy nhiên ngoài việc nhìn vào mức giá thì chị Lan và nhiều người tiêu dùng khác cũng không hề có thông tin cụ thể tại sao mức giá này lại cao hơn bình thường ở chợ dân sinh. Điều dễ lý giải nhất có lẽ nằm ở việc thuê mặt bằng của các cửa hàng thực phẩm “sạch” luôn khang trang và cầu kỳ hơn việc buôn thúng, bán mẹt ở chợ dân sinh.

Chị Hoàng Thu Hằng, một người nội trợ ở Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Qua bạn bè giới thiệu, tôi thường mua rau, thịt, cá… tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch đầu phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Họ kinh doanh khá nhiều mặt hàng từ rau, củ tới trái cây, thịt lợn, cá hồi… tôi cũng chỉ biết đặt niềm tin vào cửa hàng, chứ không biết cửa hàng này có những giấy chứng nhận gì, trong số những sản phẩm này có bao nhiều % là sạch, có chứng nhận”.

Đây cũng là thực tế chung của nhiều người tiêu dùng hiện nay. Trước yêu cầu lớn về thực phẩm sạch, trên kệ hàng của các cửa hàng tiện ích và các siêu thị xuất hiện những sản phẩm có gắn nhãn sạch, nhãn tiêu chuẩn an toàn (GAP).

Theo ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, qua quá trình kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng rau củ quả “bẩn” được đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng… được gắn mác an toàn. Trong năm 2015, chúng tôi cũng đã tịch thu, tiêu hủy gần 12.000 kg thủy hải sản đông lạnh; gần 20.000 kg thịt bò, thịt lợn, trâu... Trong số đó, có những lô hàng được bán ở những cửa hàng uy tín, gắn mác thực phẩm sạch đánh lừa khách hàng.

Tuy nhiên, việc xử lý “chiêu trò” này không đơn giản bởi “thực phẩm sạch” được bán ở những siêu thị, cửa hàng tiện ích đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. “Muốn nông sạch thì cần kiểm soát từ khâu sản xuất. Khi thực phẩm đã được bày bán trên thị trường, lực lượng QLTT đi kiểm tra cũng chỉ có thể dựa trên cảm quan, giấy tờ”, ông Kiên cho biết thêm.

Cần minh bạch nguồn gốc

Hà Nội có 425 chợ, 24 trung tâm thương mại, 134 siêu thị và hàng nghìn các cửa hàng kinh doanh nông sản. Nhưng một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và tiêu thụ tại các chợ dân sinh. Tông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết: “Lượng nông sản thực phẩm chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm 20%. Các chợ đầu mối đang đóng vai trò là khâu điều phối các sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ”. Ông Chí cho rằng, việc tăng cường liên kết giữa cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm rõ nguồn gốc và an toàn là hết sức cần thiết. Để người dân nhận biết được các doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn chân chính và minh bạch thông tin.

Tại Hà Nội mới đây, Bộ NN&PTNT cùng đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đã chứng kiến sự ra đời của Hiệp hội thực phẩm minh bạch vào giữa tháng 6/2016.

Theo nhìn nhận của TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng ban thành lập Hiệp hội thực phẩm minh bạch cho biết:  “Những cơ sở làm tốt vẫn đang tồn tại, nhưng họ rời rạc và đơn lẻ! Một số đang cố gắng làm sạch tùy vào sức của mình, nhưng họ quá nhỏ bé và thường bị thương nhân, thương lái ép đủ bề nếu họ không đủ sức bứt lên được để có kênh phân phối riêng. Số khác, đành tặc lưỡi cho qua vì bất lực trước sự cám dỗ và nguy hiểm của vòng xoáy lợi ích từ thực phẩm bẩn. Vì vậy, các doanh nghiệp tốt phải liên kết lại với nhau, minh bạch thông tin nông sản cho người tiêu dùng biết”.

Thực tế, bản thân các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng có nhu cầu liên kết lại để người tiêu dùng dễ nhận diện. Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi thực phẩm an toàn Bác Tôm cho biết, chúng tôi muốn tham gia vào các hiệp hội sản xuất thực phẩm minh bạch. Vì khi đó, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại di động là có thể truy suất được nguồn gốc nông sản từ khâu sản xuất tới chế biến, mang tới sự yên tâm hơn cho người tiêu dùng về nông sản sạch có kiểm tra.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm hữu cơ Oganica chia sẻ: “4 năm trước, chúng tôi đã thành lập trang trại thực phẩm hữu cơ, được chứng nhận theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo Hiệp hội thực phẩm minh bạch. Vì khi bước vào lĩnh vực kinh doanh này, tôi thấy rằng những cơ sở làm ăn chân chính cũng cần được bảo vệ, việc bảo vệ tốt nhất chính là minh bạch thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc. Khi đó, khách hàng chỉ cần quét kiểm tra bằng điện thoại thông minh là có thể biết rõ được quy trình sản xuất nông sản, như vậy mới chứng minh được thực phẩm là sạch, doanh nghiệp sản xuất sạch, an toàn”. 

Đỗ Hương

Top