Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Giá vé ngày là 30.000 đồng

03/03/2019 10:16 AM

(Chinhphu.vn) – Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sẽ có giá vé ngày 30.000 đồng/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày) và giá vé tháng 200.000 đồng/người/vé (dành cho đối tượng hành khách phổ thông đi lại trên tuyến này). Đây là nội dung được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đưa ra tại Dự thảo phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông.

Ảnh minh họa

Đây là nội dung được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đưa ra tại Dự thảo phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông.
 

Cụ thể, phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá áp dụng trong thời gian thí điểm vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh-Hà Đông. Giá vé trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách đi trên tuyến 2A Cát Linh- Hà Đông và các khoản chi phí trung gian thanh toán nếu có.

UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội thực hiện mức giá vé theo đúng đối tượng; chấp hành đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý vé, biên lai, ấn chỉ.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình mua vé tháng cho đối tượng ưu tiên theo các quy định hiện hành.

Trước đó, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, qua khảo sát, 95% số người được hỏi cho biết sẽ đi thử ít nhất một lần và đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn xe buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt.

Đề cập về giá vé cụ thể, theo ông Trường, mức giá vé là do Ủy ban nhân dân TP Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có một quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé. Vé đi metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau, tiến tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi hết quý I/2019 mới khai thác thương mại.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

(Theo Báo Hà Nội Mới)

Top