Giải bài toán tiêu thụ cho rau an toàn

06/12/2018 11:28 AM

(Chinhphu.vn) – Một trong những nguồn thực phầm người tiêu dùng quan tâm nhất trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay là mặt hàng rau củ. Cũng chính vì vậy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn ngày một lớn, tuy nhiên nhiều hộ dân trồng rau an toàn vẫn loay hoay tìm đầu ra ổn định.

Lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp tại Hà Nội _ Ảnh : Nguyễn Dũng

Ít doanh nghiệp tiêu thụ

Hiện nay tại Hà Nội có 48 cơ sở sơ chế rau an toàn cũng là những chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% số chuỗi được từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện; có 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, tiêu thụ, không thu gom, 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau.

Tuy nhiên, lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn và 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các hợp tác xã sản xuất rau an toàn và doanh nghiệp thu mua chỉ tiêu thụ 4,8% sản lượng rau an toàn. Số rau an toàn được đưa vào siêu thị càng ít ỏi hơn, chỉ chiếm 1,5%. 

Trong khi đó, rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng 370.000 tấn/năm chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn và 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội), hiện nay nhà bà có 8 sào ruộng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng rất khó đầu ra. “Đến 90% sản lượng phải để các lái buôn thu mua đổ ra chợ đầu mối, giá rau an toàn cũng chỉ bằng giá rau bình thường thậm chí còn thấp hơn. Công sức trồng rau an toàn lớn hơn gấp nhiều lần, phải tuân thủ hơn 60 quy chuẩn nghiêm ngặt, có nhật ký giám sát từng luống”, Bà Ngọc chia sẻ.

Bà Ngọc cho biết thêm, trồng rau an toàn có quy trình nghiêm ngặt, từ việc chọn giống cây, ngày nào gieo, ngày nào bón, loại phân, loại đạm…Loại đất trồng là đất phù sa sông Hồng với đặc tính mát, phù hợp với rau. Phân bón sử dụng các loại phân sinh học được chế xuất từ giun đất hay phân chuồng ủ đúng cách, đạm, kali được bổ sung bằng gio bếp với hàm lượng tiêu chuẩn. Nước tưới cũng được lắp đặt đường ống nước sạch và máy bơm chạy thẳng vào từng khoanh ruộng.

Bà Lưu Thị Hằng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản (Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội) cho biết, tính đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 16 dự án xây dựng vùng rau an toàn tập trung với diện tích 2.000ha. Toàn thành phố cũng đã xây dựng 8 cơ sở chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung với công suất 3-7 tấn/ngày và 64 cơ sở chế biến nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp với công suất 200-1.000 kg/ngày.

Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ rau an toàn vẫn còn khó khăn bởi đa số các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng rau an toàn tập trung chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư, quản lý sản xuất khó khăn do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, số hộ lớn...

Lộn xộn chợ đầu mối

Ông Nguyễn Hồng Minh (Phó chủ nhiệm HTX rau sạch Lĩnh Nam), cho biết chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ au an toàn hiện nay chưa hình thành.“Làm hợp đồng với các siêu thị, cơ sở bán lẻ đôi khi còn bị vướng mắc vì thanh toán chậm, trong khi bà con cần nguồn vốn để xoay vòng sản xuất. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên mở thêm gian hàng để vừa sản xuất vừa giới thiệu và bán sản phẩm. Nhưng làm như vậy chúng tôi lại mất thêm chi phí thuê mặt bằng, nhân công và phải quản lý”, ông Minh nói.

Ông Minh cho biết giải pháp tình thế để tiêu thụ rau sạch được HTX hướng đến là ký hợp đồng với các cơ quan có bếp ăn tập thể, các trường học. Việc bán RAT cho các đơn vị này giúp HTX đỡ được các chi phí nhân công, đóng gói bao bì, nhãn mác… Chỉ cần rửa sạch rau và sơ chế là có thể đem đi tiêu thụ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không phải là tối ưu vì lượng thu mua của các đơn vị nêu trên chỉ có hạn. Sản lượng trung bình mỗi ngày tại HTX rau an toàn Lĩnh Nam khoảng 10 tấn, lượng được bao tiêu chỉ rơi vào khoảng 2 tấn, số còn lại các hộ trồng RAT phải tự tìm cách “giải quyết”.

Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng nguyên nhân của thực trạng này là do người tiêu dùng chưa thực sự có niềm tin về sản phẩm rau an toàn, tiêu chuẩn rau an toàn chưa thực sự rõ ràng để phân biệt. “Những quầy bán rau an toàn trong hệ thống siêu thị của Hapro đang lỗ, khi lợi nhuận rau an toàn rất thấp không bù được chi phí vận chuyển, bảo quản, tiền điện, mặt bằng”, ông Sơn nói.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho rằng khó khăn cho rau an toàn hiện nay còn nằm ở việc các siêu thị khi ký hợp đồng đưa ra những tiêu chuẩn, quy định chỉ phù hợp với các mô hình trồng rau an toàn quy mô lớn.

“Đây là rào cản rất lớn cho những hộ trồng rau an toàn đưa sản phẩm của mình lên quầy hàng. Theo tôi, cần có những khu chợ dành riêng cho sản phẩm an toàn, đặc biệt là rau an toàn để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng được loại rau này. Lúc trước đã có chương trình thí điểm sử dụng mã QR code cho các sản phẩm rau sạch nhưng không được khả quan lắm. Vì không phải ai cũng đi mua có một mớ rau lại lăm lăm điện thoại kiểm tra xem có đúng mã tiêu chuẩn không”.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, đến năm 2020, thành phố duy trì 5.100ha rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm. Đồng thời, phát triển 3.000-4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đạt giá trị 500 triệu đồng/ha/ năm; bảo đảm 100% sản phẩm rau được truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm...

"Để thực hiện được việc này, thành phố Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; ban hành quy trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng”, ông Hồng nêu ý kiến.

Nguyễn Dũng

Top