Giải pháp thiết thực bảo vệ quyền người tiêu dùng

18/02/2019 10:50 AM

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai các chương trình về “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để tạo cho người tiêu dùng chủ động và tự ý thức bảo vệ bản thân khi mua sắm.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Thùy Linh

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời, được tuyên truyền và tổ chức thực hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên không ít người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi do chưa quan tâm, tìm hiểu để tự bảo vệ mình... Vẫn còn nhiều người chưa biết đến 8 quyền của người tiêu dùng. Trong 8 quyền đó, có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu, ngoài phản ánh đến nơi bán sản phẩm.

Khi hỏi đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, anh Đỗ Xuân Hải (quận Hoàng Mai) tỏ ra hoàn toàn bất ngờ. Anh Hải chia sẻ, nói về quyền người tiêu dùng cũng như trách nhiệm mà luật quy định thì bản thân anh cũng như nhiều người không hiểu rõ. “Trước đây, khi mua phải sản phẩm không may bị lỗi cũng không biết phải khiếu nại với ai, đơn vị nào, trừ địa điểm mình vừa mua sản phẩm. Nhiều lần mua hàng trên mạng mà bị lừa đảo nhưng cũng không biết sẽ liên hệ với ai để khiếu nại”, anh Hải nói.

Chị Nguyễn Thu Hiền, sinh sống tại quận Hà Đông cũng tỏ ra khá e dè khi nêu ra hàng loạt vụ việc mà bản thân do mua hàng trên mạng mà bị lừa đảo, nhưng lại rất ngại liên hệ với cơ quan chức năng. Tuy nhiên chị cho rằng, khi nắm được Luật thì chắc chắn chị sẽ mạnh dạn liên hệ với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền tiêu dùng của mình.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã và đang xảy ra phổ biến, ngày càng phức tạp hơn với hậu quả để lại nghiêm trọng hơn. Mặc dù được coi là “thượng đế” nhưng vẫn bị xâm phạm về quyền lợi tràn lan. Thậm chí, có rất nhiều người tiêu dùng im lặng bỏ qua, cũng có rất nhiều trường hợp lại chưa biết nếu bị xâm phạm quyền lợi thì khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng, của hiệp hội và sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì bản thân người tiêu dùng cũng cần hiểu luật để tự bảo vệ mình.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền

Việc triển khai các chương trình về “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về quyền của người tiêu dùng để tạo cho người tiêu dùng chủ động và ý thức tự bảo vệ bản thân khi tiêu dùng. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, ngành hàng tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tiếp, tri ân người tiêu dùng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, các hệ thống dịch vụ và cửa hàng cung ứng sản phẩm.

Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn nữa, theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, triển khai chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2019”, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về Quyền của người tiêu dùng, xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi giao dịch, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững", “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2019” được tổ chức với nhiều sự kiện như lễ hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; tổ chức “Tuần tri ân doanh nghiệp vì người tiêu dùng” tại các điểm bán hàng cố định trên địa bàn thành phố Hà Nội và các website bán hàng trực tuyến; tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, phổ biến kiến thức tại 3 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông;...

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức tư vấn, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự tham gia của tổng đài 024.1081 - Tổng đài giải đáp của chương trình 024.1081, những thắc mắc của người tiêu dùng sẽ được tư vấn, hỗ trợ giải quyết nhanh chóng và kịp thời.

TP. Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng là đối tượng thụ hưởng của hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; lĩnh hội và phổ biến nhân rộng về quyền người tiêu dùng và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Các tổ chức, doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng …

Thùy Linh

Top